Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Thế nào là bài thơ hay- Bài thơ Đường hay (kỳ 3)

(Tiếp theo kỳ trước)
2-Cấu  trúc của bài thơ Đường:
     Một bài thơ Đường hoàn chỉnh là bài thơ phải thực hiện đúng thủ pháp,khuôn khổ và mực thước đã được định sẵn.Tuy chỉ có 8 câu nhưng mỗi câu lại giữ một chức năng riêng:
    Câu 1 là câu phá đề, câu 2 là câu thừa đề, cặp câu 3và 4 là câu thiết thực hay là luân,cặp câu 5và 6 là dẫn luận hay bồi thấn,câu 7 là thúc kiết hay chuyển, câu 8 là hoàn kiết hay kết.Có thể gọi ngắn gọn:Câu 1&2
là đề, câu 3&4 là trạng, câu 5&6 là luận, câu 7&8 là kết.Trong đó các cặp câu đề và kết không phải đối.Các câu trạng (thực) và luận thì bắt buộc phải đối nhau, cặp nào đối với cặp ấy (Câu đối câu,từ đối từ,ý đối ý)ngoài ra còn niêm với nhau theo qui định sau: Câu 1 với 8, câu 2 với 3, câu 4 với 5, câu 6 với 7.Bởi vậy,một bài thơ Đường được cho là hay ngoài tiêu chí chung của thơ hay, còn phải tránh được những lỗi (sạn) sau đây của thơ Đường mà cổ nhân đã định:
   1/ Thất luật: Theo luật bằng trắc (Nhị tứ lục phân minh) sai một chữ là thất luật và bài thơ lập tức bị loại.
   2/ Thất niêm: Những chữ nhất định trong các cặp câu: 1&8,2&3,4&5,6&7 phải niêm (dính) với nhau nếu sai một chữ cũng là thất niêm và bài thơ bị coi là hỏng.
   3/Lạc vận: Là 5 vần trong bài (Chữ thứ 7 của các câu 1,2,4,6,8 ) có vần lạc sang vần khác.Ví dụ vần u sang vần a chẳng hạn.Một bài thơ Đường nếu bị lạc vận cũng bị tính lỗi rất nặng.
   4/Khổ độc vận : Đây là lỗi hay mắc vì thường rơi vào 1 trong 3 chữ bất luận (bất luận là không tính) đó là chữ thứ 3 của câu. Chữ thứ 3 này nếu là âm trắc trong câu thơ luật bằng mà đổi ra âm bằng thì được.Nếu là âm bằng trong câu thơ luật trắc thì bị mắc lỗi khổ độc,khi đọc lên khó nghe.Tuy nhiên lỗi này không tính nặng lắm.
   5/ Hiệp chưởng: Trong các cặp thực và luận tuy đối nhau chỉnh đốn nhưng ý nghĩa lại giống nhau như 2 bàn tay úp lại.Thí dụ:
                       Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm
                       Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa
Đọc lên ta thấy 2 câu tuy đối nhau chan chát,nhưng ý nghĩa hoàn toàn giống nhau.
    6/ Điệp điệu: Lỗi này thường mắc ở 4 câu giữa và nhịp điệu thường bị điệp do thường nghỉ ở nơi gối hạc.
Ví dụ:
           Bới lông tìm vết/lòng không nỡ
           Giục bị xui nguyên/tội xiết bao
     7/ Điệp tự(hay trùng từ): Bài thơ Đường luật chỉ có 56 chữ,vì vậy mỗi chữ có một nhiệm vụ và ý nghĩa riêng.Cho nên cổ nhân qui định 1 chữ không được lặp đi lặp lại đến vài lần.Tuy nhiên,nếu những chữ lặp lại là do tác giả cố tình để nhấn mạnh hay mang một ý định biệt lập thì không bị tính là lỗi(Các bài thơ Đường viết theo thể biệt dạng,sẽ nói đến ở những bài viết khác)
   8/ Phạm đề: Trong 2 cặp thực và luận cấm không được dùng chữ của đầu bài.Nếu dùng chữ của đầu bài là phạm đề.Trong bài : "Theo voi ăn bã mía" thi sỹ Tản Đà đã phạm ở cặp luận:
          Ấy đã theo đuôi thì phải hít
          Còn đâu nên tấm nữa mà vơ
vì là cấm nên vi phạm thì bị tính lỗi
   9 /:Sàng túc: Tức là 2 cặp thực và luận trùng ý nhau.
  Ngoài những qui định trên đây,một bài thơ Đường được coi là hay là chỉnh thì 2 cặp câu thực và luận phải đối với nhau theo từng đôi một.Câu 3 đối với câu 4; Câu 5 đối với câu 6 theo các nguyên tắc sau: chính đối, phản đối,ngôn đối, câu đối , từ đối, ý đối, sự đối, tình đối v...v...
   Tôi nêu một vài đại lược về những qui định khắt khe của cổ nhân về luật Đường thi để các bạn thấy rằng:Viết thơ Đường thật là khó.Nếu người không có tình yêu thơ Đường và không có kiến thức vững vàng thì không thể sáng tác được một bài thơ Đường hoàn chỉnh chứ nói chi đến hay và không hay!
   Tuy nhiên, thơ là cảm xúc trước cảnh vật,sự tình luôn hiện hữu ở quanh chúng ta.Đó là những đề tài có sẵn và vô cùng phong phú,chỉ cần chúng ta sống không hời hợt,sống không thờ ơ vô tình,thì những năm tháng sống gắn bó ấy sẽ trở thành những kỷ niệm máu thịt và rồi những kỷ niệm sâu sắc ấy sẽ hoá thân thành những câu thơ Đường giàu thi vị và tràn trề biểu cảm.
   Để kết thúc bài viết này,tôi xin trích một đoạn trong thiên: TÌNH THÁI trong VĂN TÂM ĐIÊU LONG của Lưu Hiệp,nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng thời Nam Bắc triều (Trung Quốc) :"...Phấn son thoa mặt mũi ,nhưng sự xinh tươi lại sinh ra từ hình dung đẹp đẽ.Văn thái tô điểm ngữ ngôn.Nhưng văn chương hoa lệ lại bắt rễ từ tính tình.Sợi dọc có xác định thì mới dệt được sợi ngang vào.Tính tình có xác định thì văn từ mới thông suốt.Đó là căn bản của việc sáng tác thơ văn...cho nên vận dụng lời văn là để làm sáng tỏ nghĩa  lý.Lời văn loè loẹt,quái dị (thì) tư tưởng tình cảm càng bị che mờ..."

                                                                                    T A N (Tổng hợp và trình bày ) 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét