Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

THƠ


THƠ
(Họa bài:" Say Thơ "của Nguyễn Quang Khải )
Thơ là cầu nối bạn yêu thơ
Thơ chuyển niềm vui đến bạn thơ
Thơ kết duyên tình vui với bạn
Thơ gieo thiện mỹ đẹp cùng thơ
Thơ tăng nhân cách cao ngời tứ
Thơ lọc tâm hồn sáng ánh thơ
Thơ nói thay lời bằng chữ viết
Thơ hồn dân tộc hóa thành thơ
                                    Tạ Anh Ngôi
(Phụ chép bài :"Say Thơ"của Nguyễn Quang Khải )
SAY THƠ
Múa bút vung trời xướng họa thơ
Chẳng dẻ ai trách kẻ say thơ
Lời vàng tung cánh thêm yêu bạn
Chữ ngọc vươn mình mãi quý thơ
Tứ đẹp lung linh thêu nét bút
Lời hay lúng liếng dệt trang thơ
Hậu sinh nối gót tiền nhân bước
Đồng cảm chung lòng chuốt áng thơ./.
                             Nguyễn Quang Khải

                           Nhân Hưng,ngày 29-5-2016
                                      Tạ Anh Ngôi

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

BÀI MƯỢN


TRANG THƠ NGƯỜI ĐẸP- THƠ BUỒN VỀ ĐẤT NƯỚC
BẠN FB THÂN MẾN. BIỂN VIỆT NAM ĐANG CHẾT. CON NGƯỜI ĐANG QUAY LƯNG LẠI VỚI BIỂN, GIẶC ĐẠI HÁN NGÀY ĐÊM XÂM CHIẾM BIỂN ĐẢO. NGUỒN SỐNG NGÀN ĐỜI CỦA DÂN TỘC ĐANG HỒI NGUY CẤP. NỖI ĐAU NÀY DÀY VÒ TÂM CAN NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ. VÀ TRỰC CẢM ĐÃ LÊN TIẾNG. TRỰC CẢM LÀ SỰ THỐT LÊN TỪ TRÁI TIM, KHÔNG THỂ CHI PHỐI, CHỈ ĐẠO ĐƯỢC. TRÊN FB GẦN ĐÂY NỔI LÊN 3 BÀI THƠ VIẾT VỀ ĐẤT NƯỚC RẤT DA DIẾT VÀ MẠNH MẼ. ĐỌC THƠ CỦA NHỮNG NGƯỜI NHAN SẮC NÀY, NHỮNG AI CÓ TRÁCH NHIỆM HÃY CÙNG CHIA SẺ VỚI TÂM TRANG NHỮNG NỮ THI SĨ, HÃY CỨU LẤY ĐẤT NƯỚC THÂN YÊU CỦA CHÚNG TA ĐANG LÂM NGUY!
NGÔ MINH
Hoàn Nguyễn (Ninh Bình)
TÔI ĐANG SỐNG NHỮNG NGÀY LUÔN PHẢI KHÓC
💧
Tôi đang sống những ngày bị bịt mắt
Mũ ni che tai
những trần trụi ươn hèn
Bội thực thơ ru ngủ lãng quên
Ai giấu nhẹm sự thực trong giả dối
💧
Tôi đang sống những ngày đen u tối
Biển lờ xanh - cái xanh giết chết người
Tôm , cá... không bơi - ngửa dạt trắng bờ - phơi
Sóng duyềnh thắt
quặn
đau thương
tang tóc
💧
Tôi đang sống những ngày luôn phải khóc
Không chiến tranh mà mất mát quá nhiều
Tinh mơ mong bình an đến cuối chiều
Đêm sờ ngực mới tin mình còn sống
💧
Bao tai ương rình rập buông thòng lọng
Trái tim người tự dìm chết đuối nhau
Lời nói thật bị dối đánh phủ đầu
Lòng vô cảm lên ngôi cùng độc ác
💧
Ai dắt tay kẻ thù về hoan lạc
Bắt gia đình coi chúng là bạn thân
Chúng toan tính và đã cướp dần dần
Gia tài quý ông cha hằng gìn giữ
💧
Ai bất hiếu hiến dâng cho quỷ dữ
của cải sắp hết rồi
Ôi đau đớn lắm thay!
Tôi đang sống mà lơ lửng từng giây
Lo ngộ độc , lo cướp giật , giết chóc
Lo biển cạn , rừng trơ , đói nghèo thêm đeo bọc
Lo mất nhà - đi ở đợ người ta
💧
Tương lai nào cho con tôi bay xa
💧
Ai ác quá
Tội chất chồng mọi nhẽ
Ai đẩy đưa trong cái vỏ tử tế
Đèn trời soi sao che nổi dã tâm ???
💧
Tôi đang sống những ngày trong âm thầm
Chờ gió nổi
Khấn thần linh tiên tổ
Hãy phù hộ phố xinh về với phố
Làng ôm làng , cây xanh mãi là cây
Biển bình yên , mây trắng nhởn nhơ bay
Cá lại sống nuôi người người khôn lớn
💧
Đất trời ơi xin làm cơn lốc cuốn
Mang ai đi nơi xám hối quy thiền
Cho tôi sống những ngày được an nhiên
Nhà mình giữ
láng giềng về nhà nó
💧
Sáng nay tôi ra tới ngoài đầu ngõ
Lóe trên cao
Sao đổi ngôi như cổ tích
Bất ngờ
*
Nguyễn Thị Thanh Yến ( Nghệ An)
THỜI ĐẠI TÔI ĐANG SỐNG
Thời đại tôi đang sống
Trẻ con học chữ cái không bắt đầu bằng chữ a
Tiếng gọi đầu tiên không phải là bà
và trên vai đã chất chồng khoản nợ
Thời đại tôi đang sống
Cứ mở mắt là thấy mình khó ở
Tháng tư vấn vương hoa sữa
Đông sang vẫn nóng như hè
Trẻ con không đón hè bằng những tiếng ve
mà bằng iphon, ipad
Thức ăn ngập tràn các market
Nhưng nuốt vào mồm là ngập hoá chất dư thừa
Thời đại bây giờ ai cũng như lừa
Chỉ biết phận mình, thản nhiên bịt tai còn mặc đâu thiên hạ
Vào trang các hót gơn hót boi like còm tung lả tả
Chuyện xã hội đau nhưng nhức lại im lìm
Thời đại bây giờ con người sống thiếu hẳn trái tim
Mượn gió bẻ măng, gắp lửa bỏ tay người đâu ra mà nhiều thế
Thượng tầng nát bươm hạ tầng lẽ nào không thể
Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần
Xã hội bây giờ người chế tạo máy bay lại là nông dân
Ông tiến sĩ cất bằng đi nuôi lợn
Người hiền lành luôn thua người bặm trợn
Chân thực ngủ vùi cho xảo trá lên ngôi
Thời đại bây giờ thủ khoa là con hộ đói mà thôi
Nhưng tuổi trẻ tài cao đương nhiên là con xếp
Bài thơ thần ngàn đời bất diệt
Bỗng đâu tan vì cái mới lên ngồi
Thời đại bây giờ thiên hạ um xùm vì mất một con ruồi
Con voi lọt qua lỗ kim thì thản nhiên công nhận
Lấy hoạt động từ thiện nuôi thân còn mang lòng thù hận
Rắp tâm gieo tiếng ác cho người
Thời đại gì mà thương cái thân tôi
Bao chuyện trái ngang cứ vờ như không biết
Tai vẫn tinh mà như bị điếc
Miễn sao không vơi cơm vơi gạo nhà mình
Có những lúc trách mình rồi lại tự phân minh
Phận mình đàn bà biêt sinh con nuôi con là đủ
Những thứ lớn lao mang tầm vũ trụ
Xin nhường cho cánh đàn ông...
Đã thế rồi mà nhiều khi vẫn thấy lông bông
Ngơ ngác trước “Bụi Chương Mỹ, đĩ Đồ Sơn”
có khả năng trở nên thành ngữ
Niềm tin lung lay trước một xã hội hèn, mình cũng hèn đủ thứ
Dạy con thế nào đây trước bộn bề sóng gió cuộc đời
Tự thấy mình như kẻ dở hơi
Dẫu không còn trẻ vẫn muốn sinh thêm đứa nữa
Lại lo lúc ra đời trán con in dòng chữ
“Nợ ngân sách" mẹ ơi!!!
02/11/2015
Trần Thị Lam
TRẦN THỊ LAM
ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ?
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

CLB THƠ THÀNH ĐÔNG TỔ CHỨC GIAO LƯU


Hải Dương,ngày 13-5-2016
Camera & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi

GIAO LƯU THƠ

                                  Để thiết thực mừng 126 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh
                                 Ngày 13-5-2016,TTVH tỉnh Hải Dương đã tổ chức giao lưu thơ cho
                                 các CLB thơ:Thành Đông thuộc TTVH tỉnh Hải Dương,CLB thơ Đường
                                "Đường An"huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương.Dưới đây là một  số hình
                                 ảnh của buổi giao lưu thơ,xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:                                      
Tác giả Tạ Anh Ngôi tại buổi giao lưu
Tiết mục văn nghê do hội viên CLB thơ Thành Đông trình diễn
Tiết mục văn nghệ do Minh Đệ -Đại tá CCB,phường Quang Trung
TP Hải dương
Ông Vũ Công Bằng,Phó giám đốc TTVH tỉnh Hải Dương
tặng lẵng hoa cho CLB thơ Thành Đông
Lẵng hoa của Thượng Tọa Thích Thanh Vân,trưởng ban trị sự
Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương gửi đến chúc mừng
Ông Vũ Đăng Nụ,chủ tịch chi hội thơ Đường Luật "Đường An"
huyện Bình Giang tặng lẵng hoa cho CLB thơ Thành Đông

Ông Trần Chương ủy viên ban chủ nhiệm CLB thơ Thành Đông
tặng hoa cho CLB thơ Đường An huyện Bình Giang
Tiết mục hát Văn do nhạc sỹ Huy Cuông-TTVH tỉnh Hải Dương

Hải Dương,ngày 13-5-2016
Photo & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi













Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

THẤY HAY HAY CHÉP VỀ...

Thu Vo đã chia sẻ bài viết của Đức Bảo Phạm.
4 giờ
Đức Bảo PhạmTheo dõi
PHÁT BIỂU CỦA BÀ DƯƠNG THU HƯƠNG NGUYÊN PHÓ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Bà Dương Thu Hương, cựu Phó Thống đốc NHNN VN: "Láng giềng chúng ta sang đây xây dựng làng xã, thành phố rồi!"
Đây là nội dung phát biểu của bà Dương Thu Hương, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, tại Hội thảo Góp ý văn kiện Đại hội XI của Đảng CSVN cho đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự.
Bà Dương Thu Hương đã phát biểu như sau: “Đi vào cụ thể thì tôi thấy rằng, thí dụ như trong cương lĩnh viết thì rất hay nhưng mà tôi nghĩ đưa rất nhiều cái khái niệm mà tôi chẳng hiểu được. Như cái khái niệm mà chúng ta vẫn cứ lúng ta lúng túng là ‘một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’. Mà cũng báo cáo với các anh là riêng ngân hàng thì không biết ‘định hướng XHCN’, kinh tế thị trường có ‘định hướng XHCH’ trong hoạt động ngân hàng, nó là cái gì? Thì chúng tôi cũng khó có thể là cụ thể hóa ra được.
Ngoài ra lại còn ‘phát triển công nghiệp hiện đại, trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN’. Thế không biết ‘công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN’ là cái gì? Thế công nghiệp của XHCN nó khác với công nghiệp tư bản à? Thế thì tại sao lại cứ có cái đuôi ‘theo định hướng XHCN’? Thế rồi ‘xây dựng một nền dân chủ XHCN’. Thì đúng ra ngày xưa học về Mác – Lênin có cái câu là ‘dân chủ của CNXH thì dân chủ gấp trăm lần tư bản’.
Thế nhưng mà với cái thiển cận, tôi nghĩ dân chủ ở đâu cũng giống nhau thôi, là người dân được phép nói, đấy là dân chủ. Xã hội tạo điều kiện cho dân được nói, pháp luật tạo điều kiện cho dân được nói, thì đó là dân chủ, xã hội nào cũng thế. Lại còn cái dân chủ XHCN nữa! Cho nên từ công nghiệp hiện đại cũng theo định hướng XHCN, thì phát triển kinh tế thị trường cũng theo XHCN, rồi xây dựng nền dân chủ cũng theo XHCN thì tôi không hiểu nó là cái gì cả.
Trong cái cương lĩnh thì có một ý nữa, tức là vấn đề hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng thì trong đó có ghi là: Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Như vậy là tôi đọc cái này tôi thấy rằng, Đảng vẫn đặt dân tộc sau quyền lợi của giai cấp và của nhân dân lao động, đặt dân tộc thứ ba. Thì tôi thấy cái này rõ ràng là tại sao Đảng không vì quyền lợi của dân tộc là thiêng liêng trên hết, mà lại đặt quyền lợi của giai cấp lên trên hết?
Và tôi cũng đang muốn hỏi các anh, là hiện nay chúng ta còn giai cấp công nhân như ngày xưa không? Còn giai cấp vô sản như ngày xưa không? Hay là bây giờ tất cả các vị hữu sản hết rồi mà lại còn giàu có hơn cả những nhà tư bản mà nó phát triển hàng trăm năm nữa? Vậy tại sao chúng ta cứ phải có cái lý thuyết này? Cho nên tôi thấy điều này lợi ích của giai cấp đã được đặt đứng trên lợi ích dân tộc, thì tôi nghĩ rằng cương lĩnh thế thì không thể nào kêu gọi được đại đoàn kết dân tộc.
Thế rồi về văn hoá, xã hội, môi trường gì gì đấy v.v… Nhận định là ‘cuộc vận động đoàn kết toàn dân xây dựng đời sống văn hoá từng bước đi vào chiều sâu, môi trường và bảo vệ môi trường đã được nâng cao’, nhưng nó mâu thuẫn hoàn toàn với thực tế, là tệ nạn xã hội tăng, an toàn xã hội không đảm bảo, văn hoá thì tôi nói thật là chưa lúc nào văn hoá Việt Nam đồi truỵ đến như thế. Bật TV ra, phim Việt Nam ngay cả quảng cáo cũng là mầu sắc sexy rất là mạnh. Tôi không hiểu là, nó [chẳng] có một cái thuần phong mỹ tục gì cả mà tôi xem tôi phát ngượng. Rồi ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm v.v… Cho nên cái nhận xét này, đánh giá này với cái thực tế tôi nghĩ rằng nó không trúng một tí nào cả.
Thế rồi, nhận xét về dân chủ xã hội có tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được nâng cao, dân chủ trong đảng được mở rộng. Tôi không biết dân chủ trong Đảng được mở rộng kiểu gì, nhưng mà tôi vẫn cảm nhận rằng là cái dân chủ trong đảng vẫn là mất dân chủ nhất so với Quốc hội. Và đấy, tôi nghĩ rằng mình là Đảng viên, mà mình cũng không được đi bầu Tổng bí thư của mình, chẳng được cái quyền gì cả ngoài cái quyền họp chi bộ hàng tháng để ngồi kể lể cho nhau nghe thôi. Cho nên tôi nghĩ rằng đánh giá như thế này vẫn không đúng với thực tế.
Thế rồi ‘xây dựng nhà nước pháp quyền, Quốc hội tiếp tục được kiện toàn về tổ chức’. Cái vấn đề này cũng là một đại sự. Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu ạ mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế rồi ĐBQH và nếu ĐBQH là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu là một ĐBQH mà là vừa là đảng viên vừa là ĐBQH thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử chi mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri đi.
Cho nên là cái nhận định về xã hội pháp quyền và Quốc hội được tiếp tục hoàn thiện thì tôi cho rằng là, tất nhiên tuy có tiến bộ hơn nhưng mà nó vẫn đầy rẫy những cái gì đấy làm cho Quốc hội không thực quyền được, không thể thực quyền được. Và nhất là cái cơ cấu Quốc hội như hiện nay thì rõ ràng người ĐBQH là đảng viên, thì rõ ràng là người đó phải hy sinh quyền lợi của cử tri, chứ không phải là người đó bảo vệ quyền lợi của cử tri nữa.
....
Các anh thấy đại hội của những nhà chống tham nhũng mà được có lèo tèo vài người, có ai dám chống đâu, mà tham nhũng nghĩa là đầy ra. Là các anh cứ nói, tôi nói thật với các anh về kinh tế hai chữ ‘dự án’ nó thiêng liêng vô cùng, người ta cố gắng phải tìm ra được ‘dự án’, vì có dự án thì mới có tiền, có phần trăm. Cho nên cái đó là cái mà chúng ta cứ nói rằng thế nọ thế kia thì tôi nghĩ rằng nó cũng không thực tế, mà thấy cái tham nhũng và cái lãng phí của Việt Nam quá lớn. Rồi cũng nhận định là xử lý nghiêm những tổ chức, đảng viên sai phạm. Không đúng. Tôi nghĩ không đúng, không nghiêm. Tôi đặt câu hỏi là có thực sự nghiêm không hay là không muốn xử lý? Thì lúc nghỉ buổi trưa, tôi cũng có nói chuyện, tâm sự với các anh có những phi vụ cực lớn nhưng cuối cùng cũng im luôn. Nếu phi vụ đó ở Trung Quốc chắc bị bắn rồi. Nhưng ở Việt Nam bây giờ coi như chẳng có chuyện gì cả. Thế nhưng mà bây giờ vẫn cứ… Đã thế nó lại còn cứ thích lên DẠY CHO MỌI NGƯỜI VỀ ĐẠO ĐỨC, tôi rất khó chịu ở cái chuyện đó.
Về hạn chế trong báo cáo chính trị, thì tôi thấy rằng cái hạn chế mà chúng ta thấy rất rõ nhất mà trong này không đề cập đến, đó là cái khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng giãn rộng ra, ngày càng trầm trọng, chứ không phải là cái đó được thu hẹp lại. Cho nên, không phải là chênh lệch giữa các vùng các miền còn lớn đâu, mà trong này không hề nói tới khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Và bây giờ hình thành nên những nhà gọi là tư sản nhưng mà cộng sản, những nhà tư sản cộng sản: Tư sản đỏ. Còn dân nghèo thì, tôi cũng được vinh dự vào mấy năm Quốc hội được tiếp cận với nông dân, tôi thấy họ quá khổ luôn, họ quá bị áp bức bóc lột luôn. Hơi một tí bị tù, hơi một tí thì bị thế nọ thế kia và đất đai bị cướp đoạt luôn và cướp xong thì…
Ba mươi Tết tôi nhớ, có một ông thương binh gọi điện đến cho tôi là đến giờ này họ còn đuổi tôi ra khỏi nhà để họ giải phóng mặt bằng. Tôi phải gọi điện lên cho đồng chí bí thư dưới tỉnh mà tôi làm đại biểu: ‘Anh ơi, có gì đấy anh để qua tết đi. Anh đừng làm như thế này, đến Tết, mà người ta thương binh, người ta ăn Tết ở đâu?’ Thì như vậy, ông ta không nói gì cả, nhưng mà sáng hôm sau cái anh thương binh gọi điện cho tôi: ‘Chị Hương ơi, NÓ TRÓI TÔI NHƯ MỘT CON CHÓ, NÓ ĐÃ QUẢNG RA GIỮA ĐƯỜNG, và đất đai của tôi nó đã tịch thu’. Tôi nói thật, mà người ta thương binh chứ không phải là một dân thường, cái điều đó tôi rất là đau. Và tôi cảm nhận rằng cái bao nhiêu năm, bao nhiêu người hy sinh chiến đấu để được cái ngày hôm nay nhưng mà bây giờ người ta cư xử với những người cống hiến cho xã hội, cho nền độc lập của đất nước này như thế. Tôi đau vô cùng nhưng tôi không làm cái gì được. Mà Tết nhất đến nơi rồi mà còn làm như vậy. Cho nên tôi thấy cái này là cái mà trong cái hạn chế này không nói hết được những cái đó.
Về an ninh quốc phòng thì sáng nay các anh cũng ít nói đến nhưng quả thật tôi đang rất là lo sợ về cái việc này. Vì cũng dính dáng đến Quốc hội, cho nên tôi cũng thấy rằng những vấn đề về bauxite Tây Nguyên, vấn đề về cho thuê rừng, vấn đề về lao động nước ngoài không được giải quyết triệt để. Tất cả những vấn đề kinh tế này nó dẫn đến, nó dính đến vấn đề an ninh quốc phòng mà hiện tại không được giải quyết dứt điểm. Không rõ ràng, không dứt khoát, còn chần chừ và e ngại.
Thôi bauxite thì các anh cũng biết rồi không nói nữa. Nhưng rừng, cho thuê rừng: Xin báo cáo các anh là các đoàn ĐBQH ở những địa phương mà có rừng cho thuê người ta nói rằng sau khi cho thuê nó rào hết tất cả lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không biết bên trong nó làm cái gì. Mà cho thuê tối thiểu là 50 năm. Mà tôi rất buồn là một đồng chí Phó chủ tịch tỉnh một tỉnh cho thuê rừng này lại tuyên bố rằng: ‘50 năm sau có người thực hiện, sẽ có người kiểm soát giám sát’. Sao mà ngây thơ thế!
Thế rồi lao động nước ngoài, thưa anh rằng nước ngoài láng giềng chúng ta sang đây xây dựng làng xã thành phố rồi, mà nó không mang tên China Town đâu, chưa mang tên thôi nhưng mà nó sẽ mang tên. Rồi Quốc hội hỏi thì Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội chần chừ, không dám nói. Giả sử nhà tôi có phúc tôi được ở vị trí đó thì tôi sẽ trả lời Quốc hội một câu rằng: “Tôi sẽ về kiểm soát, kiểm tra và nếu mà không đúng theo pháp luật Việt Nam tôi sẽ trục xuất ngay”. Nhưng mà không dám nói câu đó mà lại phát biểu trước Quốc hội rằng “khó lắm, tế nhị lắm”. Thế thì thôi, đặt họ vào, họ chiếm đất của mình hết rồi.
Và các anh cứ đi từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn xem, tất cả các dự án, những chỗ nào đất đai màu mỡ nhất là ở đấy các dự án của đồng chí bạn lớn của chúng ta hết. Mà người ta đã mang dự án sang, người ta mang công nhân sang, công nhân Trung Quốc sang, lấy vợ Việt Nam cắm đất đây luôn, sát ngay Hà Nội luôn. Tôi lo cái chuyện này vô cùng tận, nhưng mà không biết rằng trong báo cáo, trong cương lĩnh chính trị cũng như trong báo cáo chính trị, tôi thấy cái vấn đề này quá mờ nhạt luôn, quốc phòng an ninh chép đúng như những ngày xưa viết. Cái đó là cái rất đáng lo ngại.
Tôi có đọc cái quyển sách … của Thông tấn xã Việt Nam, họ nói trong cái quyển sách đó nó nói rằng tại sao Liên Xô sụp đổ? Liên Xô sụp đổ chẳng phải vì diễn biến hoà bình từ bên ngoài, mà Liên Xô sụp đổ từ lòng tin của người dân Liên Xô tan rã. Vậy thì Việt Nam chúng ta đang trên con đường đó, nhưng chúng ta vẫn rất chủ quan. Vẫn vẽ cho chúng ta một cái màu hồng vô cùng lớn, vô cùng đẹp, để [không] thấy rằng cái lòng tin với Đảng, với chính quyền này rất là sa sút rồi. Mà cái điều đó rất là nguy hiểm, nhưng mà trong này đánh giá rất là nhẹ nhàng.
Về nguyên nhân thì quả thật đánh giá cũng rất sơ sài, rất sơ sài, đổ cho khách quan, đổ cho khủng hoảng, đổ cho suy thoái, đổ cho thiên tai dịch bệnh, đổ cho yếu kém vốn có của nền kinh tế. Tôi hỏi rằng nền kinh tế nó có tội tình gì mà tự nhiên nó yếu kém? Có phải cái yếu kém đó tự nó phát sinh ra không hay là do cơ chế chính sách của mình tạo ra để cho nó yếu kém?
Ngày xửa ngày xưa còn bảo đất nước lạc hậu bao năm gì gì đấy, nhưng bây giờ 35 năm rồi, 40 năm rồi làm sao còn cái chuyện đất nước nông nghiệp lạc hậu, yếu kém nữa. Nó là do chúng ta, do cơ chế chính sách chúng ta làm cho cái nền kinh tế này yếu kém. Chứ đừng nói nó vốn có, cái vốn có này nó xa xưa lắm rồi. Cho nên cái nhận định này tôi cho là không đúng.
Thế rồi nhận định nữa là do ‘sự chống phá của các thế lực thù địch’. Tôi thấy chưa tìm đâu thấy cái chống phá bên ngoài, nhưng cái niềm tin của dân đã giảm, thì còn nguy hiểm hơn cả thế lực bên ngoài. Cái điều đó là cái mà tôi cho rằng cần phải đánh giá như thế, chứ còn ba cái thằng Việt kiều nó về lọ mọ vớ vẩn, không thèm chấp. Tất nhiên chúng ta vẫn cảnh giác nhưng chưa thấy ai chống phá chúng ta những cái gì mà gọi là để cho đất nước này đổ cả. Mà tôi chỉ sợ cái lòng dân này làm cho chúng ta sụp đổ. Nó như là một toà nhà mà bị mối, mặt bên ngoài toà nhà vẫn rất đẹp nhưng mà nó bị mối hết rồi".

                                                                                                                           Hải Dương,ngày 11-5-2016
                                                                                                                        Sưu tầm & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

MẸ TÔI

                                                                                

(Nhân ngày 8-5-2016,ngày của Mẹ,tôi trân trọng đăng lại bài thơ:"Mẹ Tôi" và xin được coi như nén tâm nhang kính dâng lên mẹ tôi và dâng lên các bà mẹ Việt Nam)
               


Trăng lên mẹ vẫn ngoài đồng
Quang tre mẹ quẩy bềnh bồng gánh trăng
Đường quê hun hút tháng năm
Sương khuya in dấu chân trần mẹ qua
“Cánh cò bay lả bay la”
Thương con lặn lội đồng xa bãi lầy
Gió mưa mài tấm thân gầy
Hoàng hôn mài những tháng ngày gieo neo
Mẹ tôi lam lũ sớm chiều
Nhặt thơ kết lại làm diều tôi chơi
Đòn tre đè dọc cuộc đời
Vai gầy mẹ gánh đất trời bão giông
Mẹ tôi tóc bạc lưng còng
Vẫn gom từng giọt nắng hồng đầy vơi
Đêm hè nhặt ánh sao rơi
Đan vào mắt võng ru lời nước non
Tôi nau”chân cứng đá mòn”
Cây cao mẹ lại chẳng còn với cây
Bao nhiêu ngày tháng hao gầy
Bao nhiêu sức mẹ cho đầy trái con
“Còn trời còn nước còn non”
Lời ru của mẹ vẫn còn vút cao
“Cái cò đỗ cọc cầu ao”
Cánh diều cõng nắng bay vào thơ tôi…


                                    Tạ Anh Ngôi

             Khu Nhân Hưng,TT Nam Sách,tỉnh Hải Dương

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

BÌNH BÀI THƠ"ĐÂT NƯỚC NÀY NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH"CỦA ĐẶNG VỸ

Tôi đã đọc "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH..." (Vỹ Đặng)
Một đời học văn, một đời viết báo, tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về đất nước. Những bài thơ viết về đất nước và những bài lấy hẳn tiêu đề là ĐẤT NƯỚC. Đất nước hiện lên trong văn chương, trong thơ ca một thuở đầy tự hào, tỏa sáng lung linh. Hãy xem: Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi trong veo, bình yên và đầy chất thơ cùng "gió thổi mùa thu hương cốm mới". Đất nước ấy bị giày xéo thảm thương với "những cánh đồng quê chảy máu / dây thép gai đâm nát trời chiều", nhưng cũng đầy bất khuất: "Súng nổ rung trời giận dữ / Người lên như nước vỡ bờ / Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng loà". Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là cánh hạc từ ngàn xưa bay về, mang theo linh hồn và tự tình dân tộc. Đất nước là "tóc mẹ thì bới sau đầu", là "cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn", là gấm vóc, là giang san, là thương yêu biết mấy cho vừa: "Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm / Đất Nước là nơi ta hò hẹn / Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm / Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc / Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi...". Đất nước trong ca từ của Phạm Minh Tuấn, diết da như từng nốt nhạc dịu dàng: "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu...". Còn đất nước trong thơ Chế Lan Viên thì đầy chất thơ ca, và cũng đầy oai hùng bất khuất: "Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc / Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn / Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc / Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng..."
Tươi đẹp, nhân văn, nhân hậu và oai hùng như thế, ai sinh ra mà không tự hào khi mình may mắn được là con dân, công dân của một đất nước như vầy?
Ấy thế mà đất nước ngày hôm nay, cứ nghĩ đến là lòng đau quặn thắt. Cái oai hùng, mãnh liệt ngàn năm đâu mất, giờ chỉ còn lại là sự sợ hãi, khuất phục, nhút nhát, rụt rè. Đất nước một thời ta ngẩng đầu hiên ngang, giờ đây cúi gằm mặt bước đi lầm lũi cứ như kẻ có tội hay điều chi mờ ám. Đất nước tan tành từ biển cả đến núi non, và tan tành cả lòng người. Giờ nói về đất nước, người ta chỉ biết ngậm ngùi cảm thán. Lãnh đạo thì nói dối, nói dối leo lẻo, biết mình nói dối mà vẫn không hề mắc cỡ, hay nói theo ngôn ngữ miền Bắc là không hề biết ngượng mồm. Dân thì biết đấy nhưng không nói lại được, và cũng không có con đường nào để nói lên ý mình. Lạ nhất là gần trăm triệu dân đều một lòng một dạ, nhưng bất lực bởi bị bưng mắt bịt tai bởi những lời nói giả dối, ấm ớ, quàng xiên, né tránh sự thật.
Và trong bối cảnh ấy, tôi đã đọc "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH..." của Trần Thị Lam.
Một bài thơ đầy cảm thán. Nó chẳng tự hào, nó không ru ngủ như một thời tôi đã phải học những "đất nước" lung linh ánh bạc trong trường phổ thông.
Lấy cái khác với lẽ thông thường để gọi là "ngộ", "lạ", là một cách nói có chút mỉa mai và chê trách nhẹ nhàng, là cái tứ của tác giả. Mà cũng chỉ vậy thôi, ngôn ngữ thơ ca không có những ùn ùn mắng nhiếc, ào ào gào thét như người ta trực tiếp chỉ vào mặt nhau, hoặc chửi rủa như trên các trang xã hội được.
"Đất nước mình ngộ quá phải không anh
... Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi..."
Không ngộ đâu nhưng mà là ngộ thật. Ngộ bởi vì nó quá khác cái lẽ thường tình. Chữ "ngộ" thốt lên nhẹ nhàng nhưng quặn thắt, xót xa. Bởi ai cũng biết vì sao nó ngộ, bởi tác giả biết vì sao nó ngộ, nên mới dùng chữ "ngộ" cho thơ mình. Ai? Ai làm cho người dân "trước những bất công vẫn không biết kêu đòi"? Chỉ ra được quá đi chứ? Ấy vậy mà chính những người có trách nhiệm kêu đòi cho đất nước, cho dân tộc lại là những kẻ khỏa lấp đầu tiên. Điều ấy đúng là rất "ngộ".
Một hình ảnh so sánh độc đáo, giữa cái "kỳ vĩ" đầy hào nhoáng với cái thân phận bé mọn của con người. Mấy ngày qua câu chuyện và lời phát biểu "nhỏ như cái móng tay" đang bị dư luận rùng rùng phẫn nộ, đã đi vào thơ của Trần Thị Lam, một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Không gào lên, không rủa sả, không chửi bới, mà chỉ với một câu thơ giản dị trong một khổ thơ so sánh, tác giả chọn cách nói cho riêng mình:
"Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay..."
Phép so sánh đầy sáng tạo. Đã quá nhiều lần, những cái "to nhất" đầy phản cảm đã bị người dân lên án. Tất cả những cái "to nhất" đó cuối cùng cũng đều vứt đi vì không dùng được. Vậy mà người ta còn dùng cả xốp, mút để độn, cho cái thành tích đó to ra. Cái tư duy gian trá của "con cháu" đời nay đó đã được người ta đưa cả vào trong lễ vật dâng lên tổ tiên, lên vua Hùng, lên chính vị vua đã từng làm ra sản vật đó. Người ta mải miết chạy theo những cái thành tích "to nhất" ấy, trong khi đó lẽ ra đối tượng đáng quan tâm nhất là CON NGƯỜI, thì bị gạt qua một bên. Người ta sẵn sàng chà đạp lên thân phận con người, xem chuyện một con người bị hàm oan chỉ bằng cái móng tay. Chuyện ông Tấn với quán cà phê Xin Chào, ông Bỉ với cái chòi vịt không hề là những câu chuyện đơn lẻ, cá biệt, mà nó chính là những minh chứng hùng hồn nhất, tiêu biểu nhất cho một cái thể chế không hề coi trọng con người, tùy tiện trong việc quyết định số phận người khác bất kể sai đúng, khổ đau.
Buồn chớ sao không buồn, thương chớ sao không thương, khi giang sơn gấm vóc bị người ta khai thác đến kiệt quệ, tàn hại đến tận cùng. Những hình ảnh tác giả đưa lên, vốn đã từng lung linh trên những trang thơ ngày trước, cũng đã từng lung linh trên hàng vạn bức tranh. Thế nhưng trong "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH...", từng hình ảnh hiện lên, cũng biển xanh sông gấm, cũng non xanh nước biếc, nhưng sao da diết đớn đau.
"Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa..."
Phải rồi, non sông càng tươi đẹp thì lòng càng buồn đau, vì nó đang bị tàn phá không thương tiếc. Nó bị đào lên đem bán, nó bị rải chất độc từ núi cao đến biển xa, độc tố không khác gì chất độc dioxin mà ta đang vận động quốc tế lên án, đòi bồi thường.
Nhạc tính trong câu "Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc" cũng miên man, cũng trải dài không dứt, cũng đưa người ta tới cảm giác lâng lâng trước một bức tranh sơn thủy với màu xanh bất tận. Nó đẹp vậy nhưng tự dưng chết nghẹn, bởi những thanh trắc và vần "ết", như một dấu chấm hết, một cái kết đột ngột, bất ngờ. Bất ngờ đến mức những cái mất mát trải ra trước mắt rồi đấy mà vẫn không thể nào kịp tin:
"Rừng đã hết và biển thì đang chết"
Và cái sự khắc khoải chờ chết ấy, được tác giả gói gọn bằng hình ảnh những con thuyền phơi nắng phơi sương dần dần mục nát. Thuyền thì phải có biển, phải ra biển, thì thuyền mới "sống", mới tung hoành được, cũng như con chim có bầu trời cao, con cá với sông với nước. Chớ thuyền mà nằm bờ thì thuyền chết, dân đói, cuộc sống héo mòn.
Những câu hỏi băn khoăn của tác giả không mới, nhưng một khi không ai trả lời thì nó không bao giờ là câu hỏi cũ. Nợ công lút đầu nguy cơ gây vỡ nợ quốc gia nhưng người ta vẫn báo cáo tình hình kinh tế ổn định, làm sao mà người có hiểu biết chút ít và quan tâm thời cuộc không lo âu. Chỉ cần một đứa trẻ vừa lọt lòng ra cũng sẽ như bà già trăm tuổi, cùng với cha mẹ chúng, lập tức phải gánh 20 triệu đồng nợ công trên lưng:
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
"Gánh", chỉ là một từ giản dị, bình dân, mà động tác này cũng chỉ có ở thôn quê mới có, nhưng đã có sức nặng lột tả được khối nợ công làm oằn vai đất nước một cách bàng hoàng. Gánh, là công việc của người có sức vóc, như dân lao động ở nông thôn vẫn gánh đá, gánh lúa, gánh khoai. Gánh, là đôi quang trên vai bà mẹ tảo tần hôm sớm: "Gánh gồng trĩu nặng trên vai / Đôi chân mòn mỏi xóm mai chợ chiều / Thân gầy dáng cỏ hắt hiu / Áo nâu bạc trắng nắng chiều như vôi" (Tg). Khi lớn lên, trưởng thành, vỗ cánh bay xa, có cuộc sống xa nhà, lòng ta vẫn thắt nghẹn khi nhớ về quê hương, nhớ về gia đình với hình ảnh đôi quang gánh trên chiếc lưng còng, trên tấm thân còm cõi của mẹ.
"Gánh", là nặng như vậy đấy. Chỉ những vật phải nặng mới gánh, còn vật gì nhẹ thì người ta cầm, xách, mang đi. Vậy mà ngày nay, đứa trẻ sơ sinh có sức vóc gì đâu mà cũng phải oằn lưng ra cùng người lớn gánh món nợ khổng lồ do người ta đi vay mượn về tiêu pha hoang phí và bỏ túi cá nhân. Điều mà cha ông ta dạy "đời cha ăn mặn đời con khát nước" đã bắt đầu hiển hiện, lừng lững ra trước mắt. Nó không còn là nỗi lo xa xôi nữa. Tác giả đã thực sự lo sợ, với những câu hỏi "gửi trời xanh, gửi người sau, người trước", cuống quít, vội vàng. Mặc dù nhịp thơ chậm, có phần như ưu tư lắng vào, nhưng điệp từ "Gửi", cùng điệp cấu trúc "người sau / người trước", giúp ta hình dung ra một sự khẩn thiết, gấp gáp, người hỏi đang chới với đôi tay giữa thinh không, vùng vẫy ngược xuôi, như tìm kiếm, như bấu víu trong vô vọng.
"Đất nước mình rồi sẽ về đâu?", đây không phải đây là câu hỏi lần đầu, mà người ta đã hỏi nhau nhiều lắm. Nhưng nó được tác giả bê nguyên câu nói ngày thường và đưa vào đây, đúng ngữ cảnh đã trở thành câu thơ đau đáu. Nó đau đáu đến mức, người ta sợ phải nghĩ tới nó mỗi khi nghĩ đến rừng vàng biển bạc cạn kiệt, khi nghĩ đến nợ công lút đầu, và nghĩ đến những lời lãnh đạo dối trá, lừa dân.
Tác giả không hề dụng công làm văn chương. Toàn bài thơ, tất cả các câu thơ chỉ là những câu nói giản dị, ngôn từ giản dị, không huy động thủ pháp nghệ thuật, không nỗ lực huy động ngôn ngữ thơ ca. Nhưng bài thơ vẫn có sức lay động lòng người mãnh liệt, thậm chí sức lay động chính là ở điểm này. Bởi, đây là tiếng lòng trung thực nhất, nỗi lo đau đáu bật lên từ tâm can, nó thành thơ bởi tác giả là người biết dùng vần điệu để chuyển tải suy nghĩ. Không có câu nào, chữ nào là hạt ngọc lung linh, toàn bích, là điểm nhấn cả. Mà tất cả, từng câu từng chữ đều gánh nặng tâm tình, tạo nên cảm xúc thơ. Có chăng nếu có chút dụng ý ngôn từ, thì có thể đó là phép dùng từ biểu lộ cảm xúc tịnh tiến, và cũng nhẹ nhàng chứ không găy gắt, không đao to búa lớn: Đó là, ban đầu "Ngộ", rồi đến "Lạ", kế đến là "Buồn", và cuối cùng là "Thương". Quả đúng như trình tự cảm xúc. Thấy gì khác thường, người ta thấy "ngộ". Nhưng "ngộ", đó chỉ là trường hợp đơn lẻ. Còn sau đó, thấy quá nhiều thứ khác với lẽ thường tình mà nó vẫn tồn tại bình thường, thì rõ ràng không còn là "ngộ" nữa, mà là "lạ" quá rồi. Và khi hiểu ra cái bản chất của nó, hiểu rằng người dân không thể tự quyết định được cuộc đời mình, không có quyền quyết định số phận dân tộc mình, đất nước mình, thì người ta chỉ còn biết buồn thôi, và cuối cùng là "thương" một cách dằn vặt. Tiếc một chút là tác giả còn thiếu một chữ "Đau" cho đủ các cung bậc cảm xúc, và nói đúng tâm trạng của người dân đang quan tâm đến vận mệnh đất nước hiện giờ. Nhưng có lẽ, biết đâu ý tại ngôn ngoại, toàn bài thơ đã dấy lên một cảm xúc đau buồn rồi, nên tác giả không cần đến chữ "đau" đầy khắc khoải nữa này chăng?
Điều tôi tiếc nhất là ở câu thứ hai trong bài, nếu tác giả bỏ chữ "DÂN" đi thì hay biết mấy. Không phải "Bốn ngàn năm tuổi mà DÂN không chịu lớn" như tác giả nghĩ. Dân tộc ta vĩ đại lắm, nhân dân ta lớn lao lắm, nhưng họ không ngẩng đầu lên nổi, không phải vì họ không chịu ngẩng đầu. Ai đã làm gì để họ không lớn nổi, không thể ngẩng cao đầu? Ai đã làm gì để trước bất công thiệt thòi mà người dân không thể kêu đòi? Thiết nghĩ ai cũng hiểu được, và tác giả "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH..." cũng có thể tự trả lời.
(28/4)
Bài thơ ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH...
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Trần Thị Lam
                                                      Nhân Hưng,ngày 7-5-2016
                                                 Sưu tầm & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi













Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

ĐẤT NƯỚC MÌNH CHẢ NHƯ EM ĐÃ NGHĨ ĐÂU

(Gửi cô giáo Trần Thị Lam tác giả bài thơ:”Đất nước mình ngộ quá phải không anh”)

“Đất nước mình rồi sẽ về đâu”
Đọc thơ em cả đêm anh không ngủ được
Hơn bốn nghìn năm tổ tiên ta dựng nước
Chả lẽ bây giờ chúng ta để buông trôi ?

Đất nước mình chín mươi triệu con người
Sao em bảo đất nước mình dân không chịu lớn
“Bốn ngàn năm tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công chỉ im lặng cúi đầu “?

Đất nước mình chả như em đã nghĩ đâu
Ý chí quật cường:”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Những bà Triệu,bà Trưng,Lê Chân…Nguyễn Thị Định
Quyết đánh giặc xâm lăng:”Dẫu chỉ còn cái lai quần”

Chả kẻ ươn hèn nào đại diện cho ý chí toàn dân
Cho dẫu là Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc
Dân tộc mình hiền lành nhưng không sợ giặc
Bao đời rồi lịch sử đã chứng minh

Đất nước mình còn chưa hiện đại văn minh
So với người còn tụt hậu mặt này mặt khác
Bọn bất lương muốn biến nước mình thành bãi rác
Để con cháu chúng mình biến dạng cúi đầu

Một nhúm người chẳng làm được gì đâu
Cả dân tộc luôn kết thành một khối
Ánh sáng văn minh sẽ đưa đường chỉ lối
Đất nước mình rồi toàn vẹn giàu sang…

                       Nhân Hưng,4h ngày 2-5-2016
                                     Tạ Anh Ngôi


Phụ chép bài:"ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH"
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
Trần Thị Lam
(Giáo viên trường PTTH chuyên tỉnh Hà Tĩnh)

                            Nhân Hưng,ngày 14-5-2016
                                          Tạ Anh Ngôi















Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

DU LỊCH NGÀY 1-5-2016

                                                                           
Trước cửa Phật
Lầu trống chùa Bái Đính
Trên thảm hoa vàng chùa Bái Đính
Phật Ngọc ngự ở TT Hội nghị quốc tế


Trước TT Hội nghị quốc tế
Lạc giữa thảm hoa chùa Bái Đính
Tượng Phật Quán Thế Âm chùa Bái Đính

Tượng Phật(dát vàng 24k ) lớn nhất châu Á

Phủ Mẫu Tiên Hương-Phủ Dày-tiinhr Nam Định


Trước cửa nhà thờ Bác Trạch-Nhà thờ lớn nhất Việt Nam

Trước cung Thánh-Nhà thờ Bác Trạch
Phía bên trái nhà thờ Bác Trạch

Nhân Hưng,ngày 1-5-2016
Photo & Giới thiệu:Tạ Anh Ngôi