Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

GIÔNG

Gió lốc xoáy tròn trên ngọn cây
Lá vàng xào xạc cuống cuồng quay
Giật mình mặt nước cau mày giận
Tất tả mây trời tan tác... bay!

                    Tây ninh,tháng 10-1968
                              Tạ Anh Ngôi

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

ĐÊM TRĂNG


Chị Hằng trũng mắt thức thâu đêm
Để dệt ngàn hoa trắng trước thềm
Tác tác nai con kêu lạc mẹ
Rừng sâu  “chót bóp” bạn chim tìm.

                       Tây Ninh,tháng 11-1968
                                 Tạ Anh Ngôi

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

CHỢ QUÊ

(Ai về chợ huyện Thanh Lâm…)

Còn đây vẫn chợ Thanh Lâm
Còn đây những buổi mưa dầm tháng hai
Vẫn còn rét nụ,rét đài
Thông thênh gió chợ mặt ai bạc màu!
Vẫn là con cá lá rau
Vẫn câu chuyện cũ nát nhàu thời gian
Gánh gồng bao nỗi lo toan
Vội vàng chân bước,ngổn ngang tiếng người
Miếng cau khô lá trầu tươi
Chợ phiên chật những tiếng cười… long đong!

                       Chợ Thanh Lâm,15-2-2013
                                    Tạ Anh Ngôi
                      (Ảnh minh họa:lấy từ Intenet)

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

MƯA NGÂU

MƯA NGÂU

Chợt khóc
Chợt cười
Đấy là niêm vui
Nỗi buồn gặp mặt

Chợt mưa
Chợt tạnh
Đấy là nước mắt
Đấy là mưa Ngâu

Một năm chờ nhau
Một ngày gặp mặt
Nỗi buồn từ đâu!
Niềm vui từ đâu!

Tháng Bảy gặp nhau
Ngưu Lang-Chức nữ
Niềm vui gặp gỡ
Khóc.Thành mưa Ngâu!

Nhân Hưng,ngày 27-7-1994
                Tạ Anh Ngôi 

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

EM VÀ ANH

Em níu anh gần xuống với em
Cỏ xuân như nệm dưới lưng mềm
Ngực nâng vồng ngực no nhung nhớ
Môi ngậm vành môi thỏa khát thèm
Quấn quýt âm dương-Cho lại được
Tràn trề mưa móc-Bớt rồi thêm
Em nằm nghiêng nửa vầng trăng ngọc
Anh kéo chăn tình ấp ủ đêm.

                      Ngày 25-7-2002
                          Tạ Anh ngôi
          (Rút từ tập”Bến Chờ”NXB-VHDT)     

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

MA MA(Dân ca Ý)

Kính tặng các thế hệ bà mẹ Việt Nam

Nhân hưng,ngày lễ VU LAN(Rằm tháng Bảy năm Quí Tỵ)
Sưu tầm và giới thiệu:Tạ Anh Ngôi 

NHỮNG BÀI HÁT CA NGỢI MẸ

Kính dâng mẹ nhân ngày lễ Vu Lan
Sưu tầm và giới thiệu:Tạ Anh Ngôi

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

CHỢT LO

Hôm qua bạn đến rủ chơi xa
Vợ lại xung phong ở giữ nhà
Nước ngọt,bia lon đà sắm đủ
Chợt lo…ai giữ vợ thay ta ?(!)

                   Nhân Hưng,ngày 20-8-2013
                                Tạ Anh ngôi

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

KHÓE MẮT

 Từ ngày em đến nhà chơi
Đánh rơi khóe mắt làm tôi bàng hoàng
Tim tôi loạn nhịp xốn xang
Tôi như người uống rượu ngang… quá liều !

                            Nhân Hưng,ngày 19-8-2013
                                           Tạ Anh ngôi

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

TỪ NGÀY GẶP EM

 Từ ngày tôi gặp được em
Tôi quên hết mọi lấm lem cuộc đời
Trên môi thường trực nụ cười
Trái tim rộn rã nói lời yêu thương

                         Nhân hưng,ngày 16-8-2013
                                   Tạ Anh Ngôi
           

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

DU NGOẠN THỊ XÃ CHÍ LINH

Ngày 15-8-2013,Nhân dịp cụ Đỗ Đình Tuân mới có chuyến đi xuyên Việt trở về và Song Thu sau cú ngã xe đã được hồi phục sức khỏe,Thanh Dạ, Tạ Anh Ngôi và Nguyễn Văn Lưu(Giám đốc CTCP Gốm Sứ Chu Đậu) đã làm chuyến "du lịch "sang thị xã Chí Linh và viếng thăm vợ chồng Tuân Thu.Chuyến đi đã được giám đôc CTCP Gốm Sứ Chu Đậu trực tiếp lái xe đưa đi.Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi:

                                                                 
                                          Xã Văn An nhìn từ cầu Bình trên quốc lộ 37                                  
                                                                           
                                                                         
                                                                Thanh Dạ và hưu Sao              

                                                                             
                                             Bên em(Rượu) vì sao Thanh Dạ vẫn buồn buồn?!
                                                                           

                                                                                   
                                                            Hưu sao với Tạ Anh Ngôi
                                                                Tạ Anh Ngôi và rượu
                                                                                 
                                              GẶP GỠ(Từ trái sang:Thanh Dạ,Tạ Anh Ngôi
                                                       Nguyễn Văn Lưu và Đỗ Đình Tuân)
                                                                           
                                         
                                                                     
                                  Nâng cốc mừng Đỗ Đình Tuân hoàn thành tốt đẹp chuyến đi
                                  xuyên Việt và Vũ Thị Song Thu đã "TAI QUA NẠN KHỎI"

                                                           Nhân hưng,ngày 15-8-2013
                                                           Bài và Ảnh: Tạ Anh Ngôi



Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

VIẾT TRÊN CÁNH ĐỒNG LÀNG TÔI

Tôi đi dọc cánh đồng làng tôi
Cố tìm lại dấu chân quá khứ
Cả cuộc đời cha tôi và cây lúa
Hắt hiu trong giá lạnh mùa đông


Tôi bâng khuâng lạc giữa cánh đồng
Vàng ngút ngát một màu của lúa
Cây lúa lai rưng rưng tích nhựa
Dâng cho đời bao mơ ước tròn căng


Cánh đồng này một thuở lúa"Ba giăng"
Vắt kiệt sức mình cho chiêm mùa sáu tấn
Thóc quê tôi cũng lên đường ra trận
Góp sức vào chiến thắng hôm nay


Giữa cánh đồng bề bộn những đổi thay
Đồng sáu tấn nay thành mười hai tấn
Tôi uống no hương mùa bất tận
Lại thương em vất vả đêm ngày...


Nhớ đêm nào nước lũ trắng chân mây
Em trằn trọc đêm hè thức trắng
Thương cây lúa em dầm mình chống úng
"Cùng làng ta quyết chống lại trời"


Bằng đôi tay em tần tảo xây đời
Nắng mưa dẫu bào mòn vai áo
Cánh đòng làng qua những mùa giông bão
Lại vươn lên mạnh mẽ hơn mười


Người làng tôi nay đã ấm no rồi
Ngói lại đỏ sau mỗi mùa gặt mới
Em hát mê say trong đêm làng mở hội
Trên cánh đồng làng cây lúa cũng đơm hương.


Nhân hưng,ngày 15-9-2000
Tạ Anh Ngôi
(Rút từ tập:"Bến Chờ"NXB-VHD























Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

BÁC ĐI


Một chiếc lá rơi động cả rừng
Bác đi trời đất khóc rưng rưng
Thời gian đọng lại lưu nhân ảnh
Cả nước nghẹn ngào nỗi nhớ thương.

  
             Nhân Hưng,ngày 8-8-2013
                       Tạ Anh Ngôi
  1.  

                               (Ảnh minh họa:Từ Internet )







Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

NGƯỜI YÊU THƠ NÊN BIẾT

(Bài Sưu tầm)

 KHI HƠI TIỀN LÀM MỜ MẮT, HỌ CÓ THỂ LỪA ĐẢO CẢ CÁC BẬC CHA ÔNG

"Nhà báo - nhà thơ" Đăng Hạ và các chiêu lừa

 


"Nhà báo - nhà thơ" Đăng Hạ


"Nhà báo - nhà thơ" Đăng Hạ và các chiêu lừa

 

Đăng Hạ là ai?


Đăng Hạ tên thật là Ngô Văn Khích, sinh năm 1984, quê Thanh Hóa, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú: Số 1, ngõ 31/2, đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Từ năm 2008, Ngô Văn Khích thành lập một số công ty TNHH tư nhân: Công ty Cổ phần Phát triển Truyền thông thương hiệu Việt, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Thanh Phát (sau đổi thành Công ty Cổ phần Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát) lấy danh nghĩa Công ty Thành Phát để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam (ngày 20/6/2009). CLB lấy địa chỉ nơi ở của Ngô Văn Khích làm trụ sở hoạt động, đăng kí hòm thư tại bưu điện quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) số 811 đường Giải Phóng) để nhận thư từ, tài liệu, tác phẩm...
Đăng Hạ (Ngô Văn Khích) chưa từng làm ở tờ báo nào, cũng chưa cộng tác cho một tờ báo nào thường xuyên, chưa được cấp thẻ nhà báo và cũng không là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Vậy mà Đăng Hạ đi đâu cũng được các chi nhánh CLB sáng tác VHNT Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trịnh trọng giới thiệu là “nhà báo - nhà thơ” Đăng Hạ. Mặc dù Đăng Hạ chưa phải là hội viên Hội VHNT cấp tỉnh, thành phố nào mà luôn tự xưng mình là nhà thơ. Trong các thẻ hội viên CLB sáng tác VHNT Việt Nam, kí các chứng chỉ Kỉ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen, giấy mời họp, giấy giới thiệu, các quyết định kỉ luật, khen thưởng cho đến các-vi-dít… Đăng Hạ đều ghi cụm từ: "Nhà thơ - Nhà báo" Đăng Hạ.
Ai yêu thơ thì Đăng Hạ "chém"
Với quy chế kết nạp hội viên hết sức lỏng lẻo và dễ dãi, chỉ cần có 2 bài thơ gửi tới CLB, đóng góp phí nhập Hội và Hội phí hằng năm, nên chỉ trong một thời gian ngắn cái gọi là "CLB sáng tác VHNT Việt Nam, đã phát triển được 15 chi nhánh ở các địa phương, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, v.v… Theo một thành viên dự cuộc họp trù bị đại hội CLB sáng tác VHNT Việt Nam sáng 7/7/2013 tại nhà Đăng Hạ: Tính đến tháng 7/2013 câu lạc bộ đã có 4.500 hội viên, hầu hết là những người về hưu, có hội viên ngót 90 tuổi. Ở tuổi này một số cụ yêu thơ, làm thơ thay cho đánh tổ tôm, chơi cờ. Các cụ có lương hưu, đời sống ổn định. Có cụ con cháu khá giả hỗ trợ tài chính cho bố in thơ, tuy không phải tiền chùa mà tiền con, tiền cháu nên in thơ vô tư. Bề ngoài CLB sáng tác VHNT Việt Nam hoạt động ra vẻ "phong trào", nhưng bên trong Đăng Hạ làm nghề kinh doanh thơ phú. Trong nhà Đăng Hạ có máy in màu, máy in đen trắng. Các hội viên của Hạ muốn in thơ đều phải qua “nhà in” này. Đăng Hạ vừa biên tập, viết lời giới thiệu tán tụng vừa lo giấy phép. Tất cả các khâu này ông ta "ăn" đậm, "chém" đau các cụ.
Chém các cụ như thế chưa “đã”, Đăng Hạ còn “chém” bằng các thủ tục hành chính, thi đua, khen thưởng. Mỗi Kỉ niệm chương Hạ thu 150.000 đồng, một Bằng khen 500.000 đồng, một con dấu cấp cho các chi nhánh thu 460.000 đồng, thẻ hội viên thu 100.000 đồng, Hội phí mỗi năm 50.000 đồng/người…
Mỗi kì "CLB sáng tác VHNT Việt Nam" họp hành, đại hội, Đăng Hạ đều nhận tài trợ của các chi nhánh. Hằng năm, Đăng Hạ còn tổ chức các cụm thi thơ… cũng mời vài nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sang chấm. Dĩ nhiên, Hạ vận động 15 chi nhánh tài trợ, còn các cá nhân thì vô tư, ai ủng hộ bao nhiêu cũng được. Có điều lạ, ai muốn đoạt giải cao thì góp nhiều tiền, tiêu chí này Đăng Hạ chỉ nói nhỏ, rỉ tai với người hám giải. Ví dụ muốn được giải C phải nộp cho Hạ 10 triệu đồng, v.v...
"Đánh sập mà vẫn giãy"…
Trước hoạt động lùm xùm ở Chi nhánh Phú Thọ, một số thành viên làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Cơ quan An ninh Chính trị Nội bộ thuộc Công an Phú Thọ vào cuộc. Ngày 5/2/2013, Công an tỉnh Phú Thọ có công văn số 33/CAT-ANCTNB gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ yêu cầu bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Chủ tịch CLB sáng tác VHNT Phú Thọ phải ngừng hoạt động, thu hồi con dấu. Bắt nguồn từ đây, Công an tỉnh Phú Thọ làm việc với cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, được biết hoạt động của CLB sáng tác VHNT Việt Nam (mà Đăng Hạ khởi xướng) đã có những sai phạm sau đây:
- Không được sự cho phép của cơ quan chức năng, tự thành lập các chi nhánh CLB hoạt động trên phạm vi toàn quốc, vi phạm Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định tổ chức hoạt động, quản lí Hội;
- Khắc, sử dụng con dấu "CLB sáng tác VHNT Việt Nam" và con dấu các chi nhánh CLB ở địa phương trái phép, vi phạm nghị định của Chính phủ về quản lí và sử dụng con dấu.
- Tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm thơ trái phép;
- Thu hội phí trái phép;
- Tổ chức in, trao Bằng khen, Kỉ niệm chương trái phép, vi phạm Luật Thi đua - Khen thưởng.
Bắt đầu từ 5/2/2013 CLB sáng tác VHNT Việt Nam đã ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Công an, Đăng Hạ phải tự giải tán, có trách nhiệm thông báo cho 15 chi nhánh, nhưng không thực hiện, vẫn tiếp tục Đại hội theo dự kiến vào ngày 13/7/2013. Ngày 7/7/2013 Hạ cho họp BCH mở rộng và lập danh sách BCH mới 28 người trong đó có bà Nguyễn Thị Ánh Thu (bà Thu đã có công văn số 33 ngày 5/2/2013 cho ngừng hoạt động) ở Phú Thọ.
ông Bùi Quốc Chiến tố cáo: Những hội viên bị sa thải ở nơi này lại đến CLB nơi khác cũng được Hạ cho tái kết nạp, miễn có nhiều hội viên để Hạ có nhiều khoản thu. Đăng Hạ sử dụng 2 con dấu, dấu tròn và dấu bầu dục để hoạt động.
Suốt từ năm 2009 đến 6/2013, Đăng Hạ đã vơ vét hàng tỉ đồng tiền của hội viên, chưa kể bịp các loại ấn phẩm, tiền tài trợ đóng góp của hội viên?
Lê Hồng Thiện

(Nguồn: Báo Người cao tuổi)







Nhân danh thơ để lũng đoạn …thơ?



 THƯ NXB VĂN HỌC GỬI:

                               Kính gửi: Nhà văn Phong Điệp.

Vừa qua, trên trang phongdiep.net có đăng bài viết của Phan Chính với nhan đề “Khó chấp nhận đối với người sáng tác!”, trong đó đề cập đến việc tập thơ La Gi biển nhớ của tác giả Hải Đăng (do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2013) có rất nhiều câu thơ “nhập nhằng” “trùng lặp câu chữ, ý thơ, thậm chí nguyên si gần trọn câu” của các nhà thơ nổi tiếng. Trước hết, Nhà xuất bản Văn học xin chân thành cảm ơn nhà văn Phong Điệp đã kịp thời thông tin và có ý kiến phê bình hết sức thẳng thắn, khách quan đối với những ấn phẩm của Nhà xuất bản Văn học.

Tuy nhiên, sau khi rà soát lại quy trình biên tập và liên kết xuất bản, Nhà xuất bản Văn học phát hiện thấy không hề tổ chức biên tập, liên kết và cấp Quyết định xuất bản cho cuốn sách này. Nhà xuất bản Văn học còn được biết cuốn sách hiện đang được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi. Nhà xuất bản Văn học sẽ có ý kiến chính thức với các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn nhà văn Phong Điệp đã kịp thời thông tin để Nhà xuất bản Văn học phát hiện và có ý kiến phản hồi đối với những ấn phẩm mạo danh nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu của Nhà xuất bản Văn học.
Trân trọng.


Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2013
TL. GIÁM ĐỐC
PHÒNG KẾ HOẠCH - TỔNG HỢP


 BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN:

Nhân danh thơ để lũng đoạn …thơ?

Văn nghệ Trẻ : Nếu là những bài thơ rời lúc trà dư tửu hậu, bằng cảm xúc có thể bị “nhập tâm” những câu thơ hay mà bản thân người sáng tác mơ hồ cho là tâm trạng của mình, người nghe còn có thể thông cảm được. Nhưng khi trở thành một ấn phẩm, có giá trị lưu hành trên diễn đàn văn học, đòi hỏi tính nghiêm túc hơn. Đó cũng là lòng tự trọng của người sáng tác và biết tôn trọng người yêu thơ

Một tập thơ bị phản ứng

Đó là tập thơ “La Gi biển nhớ” của Hải Đăng. Nhà thơ Phan Chính, - 70 tuổi- Chi hội trưởng Chi hội VHNT thị xã La Gi, trực thuộc Hội VHNT  tỉnh Bình Thuận đã rất bức xúc trước một tập thơ mà theo ông là: “nhập nhằng từ ý thơ, câu chữ của người khác để coi đó là sự sáng tạo, xuất thần, thực sự “cày ải” của mình”. Theo nhà thơ Phan Chính, đây là một việc khó chấp nhận đối với người sáng tác!

Nhà thơ Phan Chính đã nhặt ra  một số câu thơ “nhập nhằng” của tác giả Hải Đăng trong tập “La Gi biển nhớ” như sau:
Con đã về nơi Bác ở xưa/ Vẫn xoài cam bưởi trái đong đưa/ Vẫn hồ nước mát reo tăm cá/ Vẫn nắng ban mai rợp bóng dừa…” (bài Viếng Lăng Bác- trang 61). Trong khi đó thơ Tố Hữu ai cũng thuộc lòng: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa…” (bài Theo chân Bác). Trong bài Khói chiều vắng mẹ, Hải Đăng viết : “…Con đi kháng chiến gian lao/ …Mưa bao nhiêu hạt, đếm ngày con đi/ …Qua làn khói mỏng, thương thầm nhớ con/ …Giặc tan con lại về bên mẹ hiền (trang 20). Không coi là thấp thoáng thơ Tố Hữu nữa mà chính xác từ các câu: “Con đi mỗi bước gian lao/…Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu/…Chiều nay chắc cũng thương thầm nhớ con/…Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm (bài Bầm ơi).  Người đọc không thể coi đây là câu thơ sáng tác đúng nghĩa: “Lô nhô dưới bến mươi thuyền thúng/ Lác đác trên bờ những quán cây…” (bài Đồi Dương Hồ Tôm -trang 49) vì Bà Huyện Thanh Quan đã viết “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà…” (bài Qua Đèo Ngang). Lại càng khó chấp nhận việc sử dụng gần nguyên câu thơ đã trở thành quen thuộc với mọi người: “Nhà nàng ở cách nhà tôi/ Đầy vơi nỗi nhớ muốn sang thăm người” (bài Đầy vơi nỗi nhớ- trang 40), với Nguyễn Bính trong bài Cô Hàng Xóm thì “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”, tức chỉ đổi từ chữ “cạnh” sang chữ “cách” mới thật quá quắt. Tương tự câu thơ “Cỏ non xanh mướt tới chân trời” (bài Xuân về- trang 63) với “Cỏ non xanh dợn chân trời” (Kiều- Nguyễn Du).

Nhà thơ Phan Chính cho biết, ông đã thử thống kê trong tập “La Gi biển nhớ”; thấy có không dưới hai chục bài bị trùng lặp câu chữ, ý thơ, thậm chí nguyên si gần trọn câu. Trong đó còn có nhiều bài dính dáng đôi câu của thơ Xuân Quỳnh, Đỗ Trung Quân, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương… Như : “Từ buổi xuất quân đi giữ cõi/ Tháng năm luôn nhớ đất cha ông” (bài Tình người chiến sỹ biển đảo-trang 55). Đọc và liên tưởng ngay đến câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Hoặc câu “Mình về mình có nhớ ta/ La Gi ngày ấy thiết tha mặn mà/ Mình về mình có nhớ ra… ” (bài Mình có nhớ ta- trang 180) đã sao y cả lời lẫn tứ thơ của Tố Hữu trong bài Việt Bắc.

“Nếu là những bài thơ rời lúc trà dư tửu hậu, bằng cảm xúc có thể bị “nhập tâm” những câu thơ hay mà bản thân người sáng tác mơ hồ cho là tâm trạng của mình, người nghe còn có thể thông cảm được. Nhưng khi trở thành một ấn phẩm, có giá trị lưu hành trên diễn đàn văn học, đòi hỏi tính nghiêm túc hơn. Đó cũng là lòng tự trọng của người sáng tác và biết tôn trọng người yêu thơ”.- Nhà thơ Phan Chính khẳng định
Theo chúng tôi, hành vi của Hải Đăng trong tập thơ “La Gi biển nhớ” là hành vi đạo thơ một cách trắng trợn.
Vậy, vì sao tập thơ này lại được cấp phép?


Ai đã cấp phép cho tập thơ ?


Trên xinhe của sách ghi: đơn vị cấp phép là Nhà xuất bản Văn Học và GPXB số 22 (ngày 15/1/2013).
Trên tinh thần xây dựng, ngay sau khi phát hiện ra tập thơ dở, nhà thơ Phan Chính đã gửi thư đến NXB Văn học. Nội dung thư có đoạn:

“Vì uy tín của NXB Văn học đã có từ lâu, cho nên dư luận địa phương chúng tôi hết sức bất ngờ là, không hiểu vì sao với tập thơ “La Gi biển nhớ” của Hải Đăng (không phải là Hội viên VHNT địa phương) do NXB Văn học lại liên kết với một đơn vị không biết từ đâu, uy tín thế nào, đó là “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” (do Đăng Hạ) đứng ra xuất bản với một nội dung vừa kém nhưng điều quan trọng là có nhiều sai phạm lớn do sao chép thơ người khác (đạo thơ) quá thô thiển. Tập thơ này được lưu hành rộng rải trong tỉnh Bình Thuận và được công bố giới thiệu nhiều hình thức. Trước đây, ở địa phương chúng tôi cũng được phổ biến một tập thơ tựa Cát Bồi của Minh Trinh, dưới hình thức NXB Văn học liên kết Câu lạc bộ  Sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản (Cụ thể ghi in 1000 cuốn, tại Nhà in Hà Đăng. Giấy Chấp nhận KHĐKXB số 233-2012/CXB/25-07/VH ngày 23/4/2012-nộp lưu chiểu quý II/2012). Chất lượng nội dung rất kém.

            Tôi xin cung cấp các thông tin liên quan để NXB nghiên cứu nhằm bảo vệ uy tín tên tuổi NXB Văn Học, xứng đáng là Bà Đỡ cho nhiều tác phẩm Văn học có chất lượng.”
Ngay sau khi nhận được thư từ nhà thơ Phan Chính, NXB Văn học đã lập tức rà soát lại công tác cấp giấy phép xuất bản, đặc biệt là kiểm tra số giấy phép của hai cuốn “La Gi biển nhớ” và “Cát bồi” theo như thông tin mà nhà thơ Phan Chính cung cấp.
Thật bất ngờ, trong danh sách cấp giấy phép của NXB hoàn toàn không có danh mục hai cuốn sách này. Rõ ràng đây là sự mạo danh, làm giả một cách trắng trợn của Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam.

Vén tấm màn bí mật về “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam”

Thật trùng hợp, chúng tôi cùng lúc nhận được bài viết của nhà báo Lê Hồng Thiện, vén tấm màn bí mật về “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” (CLB), Số hội viên của CLB này theo thống kê sơ bộ có trên 4500 người, sinh hoạt tại 15 chi nhánh đóng tại các địa phương (như: Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Hoà Bình, Hà Nội, Thanh Hoá, Hải Dương, Đồng Nai  v.v….).  Người khai sinh ra CLB  là Đăng Hạ - một nhân vật hoàn toàn xa lạ với giới sáng tác .

Vậy Đăng Hạ là ai?
Trong phóng sự điều tra của mình, nhà báo Lê Hồng Thiện cho biết: Đăng Hạ tên thật là Ngô Văn Khích, sinh năm 1984, quê Thanh Hóa, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú hiện nay tại số 1, ngõ 31/2, đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Từ năm 2008, Ngô Văn Khích thành lập một số công ty TNHH tư nhân như: Công ty Cổ phần phát triển Truyền thông thương hiệu Việt, Công ty TNHH dịch vụ tư vấn Thành Phát (sau chuyển đổi thành Công ty Cổ phần dịch vụ và tư vấn Thành Phát và tiếp theo lấy danh nghĩa của Công ty Thành Phát này để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam (ngày 20/6/2009). CLB lấy địa chỉ nơi ở của  Ngô Văn Khích làm trụ sở hoạt động.

Điều kiện tham gia CLB hết sức đơn giản: chỉ cần 2 bài thơ và nộp phí (gồm phí nhập hội, và phí hàng năm). CLB dù lấy tên là “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” nhưng thực tế hội viên đều là… “nhà thơ”
Nhà báo Lê Hồng Thiện cho biết: “Bề ngoài CLB sáng tác VHNT Việt Nam họat động ra vẻ “phong trào”, nhưng bên trong Đăng Hạ làm nghề kinh doanh thơ phú, trong nhà Đăng Hạ có máy in màu, máy in đen trắng các hội viên của Hạ muốn in thơ đều phải qua nhà in của Hạ, Hạ vừa biên tập viết lời giới thiệu tán tụng và lo giấy phép, làm bìa. Tất cả các khâu này anh ta “ăn” đậm, “chém” đau các cụ. Chém các cụ như thế chưa đã, Đăng Hạ còn chém các cụ bằng các thủ tục hành chính, thi đua, khen thưởng.”

Với cái tên rất “kêu”: “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” nên không ít người nhầm tưởng nó là cơ quan ngang bộ, có người lại tưởng đó là … Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nên khi đi các tỉnh làm việc, Đăng Hạ và cộng sự của mình dễ dàng lừa phỉnh được lãnh đạo ban ngành tại nhiều địa phương.

Những việc làm khuất tất, thu lời bất chính của cái gọi là “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” đã lọt vào mắt các cơ quan chức năng. Bắt đầu từ 5/2/2013 CLB sáng tác VHNT Việt Nam đã bị ngừng hoạt động, theo yêu cầu của Bộ Công an, Đăng Hạ phải tự giải tán, có trách nhiệm thông báo cho 15 chi nhánh

Tuy nhiên, trong bài điều tra của nhà báo Lê Hồng Thiện cho biết: bất chấp kết luận của cơ quan công an, Đăng Hạ vẫn tiếp tục Đại hội theo dự kiến vào 13/7/2013. Hạ cho họp BCH mở rộng và lập danh sách BCH mới cho nhiệm kỳ II (2013-2018).Những hội viên bị sa thải ở nơi này lại đến CLB VHNT chi nhánh nơi khác cũng được Hạ cho tái kết nạp.

Xuất phát từ những sai phạm trên, Ngày 13/7/2013 cơ quan An ninh Hà Nội đã không cho CLB sáng tác VHNT Việt Nam  tiến hành đại hội. Tại Hưng Yên, sau khi có đơn tố cáo của một số cụ, phòng Bảo vệ Chính trị an ninh nội bộ công an tỉnh Hưng Yên đã xác minh và yêu cầu ông Lâm Sơn Hà – chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Hưng Yên dỡ bỏ tấm biển “Văn phòng đại diện CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Hưng Yên” trụ sở đặt tại số nhà 106, đường Tô Hiệu, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Sự “lộng hành” của “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” kéo dài suốt bốn năm qua, đến giờ mới bị phát hiện.
Nhà báo Lê Hồng Thiện bức xúc đặt câu hỏi trong bài viết của mình: “tại sao CLB sáng tác VHNT Việt Nam do Đăng Hạ lập ra và đứng đầu này đã tồn tại nhiều năm với những sai phạm như vậy mà nhiều cơ quan chức năng ở Hà Nội không biết? Câu hỏi này xin được gửi đến Cơ quan bảo vệ Chính trị an ninh nội bộ công an thành phố Hà Nội, Sở VHTT và Du Lịch, Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam?”

 Chúng tôi thiết nghĩ, câu hỏi cũng cần đặt ra cho cả những người cầm bút hiện nay, rằng: tại sao thơ bị lũng đoạn?


PVVNT
 (Nguồn Sưu tầm từ http://quyvanchuong-vccs.bloogspot.com)

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

TRĂNG VỚI HOA QUỲNH

Vàng rộm  trăng khuya ngớ ngẩn ngân
Xem quỳnh phô sắc vẻ tần ngần
Trắng tinh mười cánh màu chưa cũ
Trong suốt một bông nét vẫn tân
Khép nép tựa cành mời hiệp khách
Bâng khuâng vịn lá tiễn văn nhân
Yêu hoa nên sợ hoa còn thẹn
Trăng vội lẩn vào đám bạch vân.

                  Nhân hưng,ngày 9-5-2005
                Thơ:Tạ Anh Ngôi-Ảnh minh họa:Hồng Nga
           (Rút từ tập “Bến Chờ”NXB-VHDT)












Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

HỎI EM

Em đi rao bán cuộc đời
Trong phiên chợ”Ốp”hay đồi Bạch Dương?
Đêm dài tuyết lạnh thấu xương
Em như chiếc lá phong vương cuối mùa
Xác xơ mặc ngọn gió lùa
Bỏ quên cuộc hẹn sân chùa,em bay!
Gặp em một góc trời Tây
Thấy em tàn tạ đắng cay anh buồn
Người thân ở chốn quê hương
Những ai hiểu nỗi đoạn trường này em?
Đồng tiền kiếm được đêm đêm
Là tiền em bán trái tim của mình
Triền miên trong những cuộc tình
Để cây trúc đứng bên đình chờ ai?

Đi qua băng tuyết xứ người
Anh nghe lạnh những trận cười đêm đêm
Mai về gặp mẹ,gặp em
Đồng Dô-La đó nặng thêm mấy phần?(!)

                        Nhân hưng,ngày 5-10-2005
                                   Tạ Anh ngôi
               (Rút từ tập:”Bến Chờ”NXB-VHDT)

 
(Ảnh minh họa Lấy từ Internet)
   

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

MỸ NHÂN

Ánh mắt nhìn ai tím cả chiều
Để người vừa gặp nặng lòng yêu
Môi son quên điểm mà duyên dáng
Má phấn lười tô vẫn mỹ miều
Phô nét xuân sơn bao nước đổ
Liếc làn thu thủy mấy thành xiêu
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”(*)
Đánh gục quân vương chuyện đã nhiều

                     Nhân hưng,ngày 3-7-2013

                                  Tạ Anh ngôi   
 
Tây Thi(Ảnh minh họa)

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

TỐT VÀ KHÔNG TỐT

(Bài sưu tầm)

 "TỐT VÀ KHÔNG TỐT HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ PHÂN GIỚI RÕ RÀNG, CHÍNH XÁC, CÓ CHĂNG THÌ CHỈ LÀ CẢM GIÁC TRONG LÒNG NGƯỜI MÀ THÔI. TRONG LÒNG ÔNG CHỨA THỨ GÌ MỚI CÓ THỂ TÌM THẤY THỨ ĐÓ”.

Có một lữ khách trẻ tuổi tình cờ gặp một người lớn tuổi rất hiểu thiền lý ở trên thảo nguyên, anh ta hỏi cụ già: “Ông sống ở đây có tốt không?”
Cụ già hỏi ngược lại: “Quê hương của cháu như thế nào?”
Người lữ khách nói: “Tệ lắm, vừa bế tắc, vừa lạc hậu”
Cụ già vội nói: “Vậy cháu mau đi đi, ở đây và quê của cháu rất giống nhau”.
Sau đó lại có một lữ khách khác đến, cũng hỏi cụ già câu như vậy, cụ già cũng hỏi ngược lại một câu như đã hỏi thanh niên trước, lữ khách mới đến trả lời một cách thâm tình: “Quê cháu rất tốt, đồng ruộng khe suối, cỏ cây nhà cửa, lại có người thân xóm giềng, đều làm cho cháu rất nhớ”.
Mỗi tấm biển đều có hai mặt 1
Cụ già bèn nói: “Ở đây cũng đẹp như ở quê của cháu vậy”.
Có một người bên cạnh nghe như vậy cảm thấy nghi ngờ không hiểu, hỏi cụ già: “Tại sao cùng một câu hỏi giống nhau, mà cụ lại trả lời khác nhau một trời một vực như thế?”
Cụ già nói: “Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó”.
Nhà thiền có câu: “Người trong lòng đầy bất mãn và trở ngại muốn đi tìm chỗ tốt đẹp để trở về nương náu, nhất định tìm không được nhưng trong lòng tràn đầy tình yêu và sự đẹp đẽ mới có thể phát hiện được ốc đảo của chính mình. Điều này xem ra dường như là việc phức tạp huyền bí, kỳ thật chỉ là nói rõ một đạo lý:

"Trên thế giới không có sự việc gì là tuyệt đối, bất cứ tấm thẻ nào trong tay bạn cũng hoàn toàn có hai mặt trái và phải."

                                                                                      Nhân hưng,ngày 1-8-2013
                                                                                      Sưu tầm và giới thiệu:Tạ Anh Ngôi