Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

CHẲNG SỢ RIÊNG MÌNH


(Hoạ nguyên vận bài:”Ngày tận thế”của Đỗ Đình Tuân)

Tận thế thì mình cũng chả kinh
Chết toàn nhân loại chẳng riêng mình
Thằng gian phơi xác cùng trâu chết
Kẻ ác chôn thây lẫn chúng sinh
Vua chúa cũng tan tành lửa khói
Quan dân sẽ nát bét thân hình
Con thuyền vỏ trấu* đâu còn nữa?
Cao thấp giàu nghèo cũng lấp kênh(!)

                   Nhân Hưng,ngày 28-11-2012
                                Tạ Anh Ngôi

*Con thuyền vỏ trấu:Theo truyền thuyết thì những thiên niên kỷ xưa kia,trong trận đai hồng thuỷ muôn loài đều bị
 nước nhấn chìm,chỉ có 2 vợ chồng một người dân hiền lành được tiên cứu bằng con thuyền do tiên hoá phép ra từ vỏ trấu.

Phụ chép bài: ”Ngày tận thế”của Đỗ Đình Tuân


Đọc tin trên mạng thấy mà kinh
Tận thế ai ai chẳng giật mình
Trái đất tự nhiên thành vỡ vụn
Muôn loài tất yếu phải hy sinh
Người lo tích nước dành khô khát
Kẻ chúi hầm sâu tránh cực hình
Còn tớ cứ bơi thuyền hái muống
Nhờ bè rau muống nó công kênh!

                     

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

ĐÊM HỒ TÂY

             (Tặng N)

Năm ơi! Đêm ấy ngắm Hồ Tây
Hai đứa ngồi thơm hoa sữa bay
Em ngửa nón đong hương sữa lựng
Anh nghiêng tay vớt mảnh trăng gầy
Tây Hồ sương sớm giăng mờ đục
Trấn Quốc chuông xa ngân lắng dầy
Em thả mộng mơ vào bát ngát
Trong anh cảm xúc cũng dâng đầy.

                Tây Hồ, đêm 10-10-2003
                          Tạ Anh Ngôi






Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

CHIỀU ĐÔNG


Một mình ta đứng giữa chiều Đông
Nghe gió heo may thức cõi lòng
Ngắm sợi mây chiều bay diệu vợi
Nhìn tia nắng quải níu mênh mông
Trót xanh lúa đã vàng hoe lá
Lỡ thắm hoa đành đỏ rực bông
Thấy mảnh trăng liềm treo đỉnh núi
Lòng ta tròn khuyết giữa mênh mông.


               Nhân Hưng,ngày 03-10-2002
                           Tạ Anh Ngôi


 

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

SAY


 Lạ quá chiều nay sao thế này
Rượu bia không uống thế mà say
Liêu xiêu chân bước đường cao thấp
Vung vẩy tay giơ thế liệng bay
Những muốn vá trời muôn lỗ thủng
Lại lo vác đá chốn nào đây?
Góc nhà thôi cứ yên nằm đã
Mắc trái đất già-Kệ nó xoay!

              Nhân Hưng,ngày 26-11-2012
                          Tạ Anh Ngôi 

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

DƯ NỤ CƯỜI


 (Hoạ bài:”Gửi Minh Hương”của Đỗ Đình Tuân)

Qua rồi cái tuổi năm nhăm
Tuổi gà giờ lại “chăn tằm,kéo tơ”
Suốt ngày cặm cụi trầm tư
Yêu chồng, mến bạn nên dư nụ cười.

                 Nhân Hưng,ngày 26-11-2012
                             Tạ Anh Ngôi


Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Đối cùng thày Nguyễn Minh Tư

-Thày Nguyễn Minh Tư ra đối:

HÀO HỨNG HÒ,HÀO HỨNG HÉT,HÀO HỨNG HOAN HÔ

-Tạ Anh Ngôi đối lai:

HÂN HOAN HÁT,HÂN HOAN HÔ,HÂN HOAN HÒ HẸN

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

MỘT "SÁNG KIẾN" RÙNG RỢN


Link cố định 20/11/2012@6h39, 921 lượt xem, viết bởi: LÃO KHOA (Tran Dang Khoa)
Chuyên mục: Nhật ký

LẠI THÊM MỘT “TỐI KIẾN” RÙNG RỢN…


TRẦN ĐĂNG KHOA
Đó là cái “sáng kiến” đề xuất quy định: Người tham gia giao thông phải đi xe chính chủ. "Đối với xe lưu thông trên đường, nếu Cảnh sát giao thông kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt người điều khiển. Đối với phương tiện ô tô, tiền xử phạt từ 10-15 triệu đồng. Xe máy 1 triệu đồng. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh".
Lại thêm một “sáng kiến” thành “tối kiến” rùng rợn. Bởi không có tính khả thi. Ở Việt Nam, công chức đi làm chủ yếu bằng xe máy. Đa phần xe mua đi, đổi lại. Nhiều xe nhặt từ bãi rác ở Nhật Bản từ những năm 80, giờ vẫn còn lưu hành. Đối với không ít gia đình, chiếc xe rác ấy vẫn là một “tài sản” lớn. Có xe qua bao đời chủ. Người bán xe cũng không phải chính chủ. Thế thì làm sao đủ điều kiện “sang tên đổi chủ” để có xe chính chủ. Vì vậy, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối rất quyết liệt trên các phương tiện truyền thông, từ báo giấy, báo mạng, trang Blog cá nhân, đến cả các quán cóc vỉa hè. Một đề xuất quy định không hợp lòng dân, gây nhiễu loạn đời sống xã hội, nhất là trong tình hình hiện nay, khi kinh tế khó khăn, nạn tham nhũng hoành hành, lòng dân ly tán, niềm tin bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhìn ở góc độ nào cũng không có lợi, cả về chính trị lẫn thực tiễn đời sống.
Còn nhớ những “sáng kiến” của các cơ quan tham mưu trước đây. Cũng toàn là những “tối kiến” rùng rợn như thế. Ví như: Cấm xe địa phương vào Hà Nội. Xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe tắc xi phải bốn người mới được khởi hành. Rồi thay đổi giờ học, giờ làm, làm đảo lộn cả đời sống. Rồi khôi phục lại loại hình xe Tuk tuk, xe Lamboro, vốn là phương tiện đã bị loại bỏ vì ảnh hưởng môi trường. …
Thật kinh dị.
Bây giờ lại chuyện đề xuất quy định phạt nặng những người tham gia giao thông, đi xe không chính chủ. Đây là một quy định thoạt nhìn bề ngoài có vẻ rất đúng đắn, khoa học, nhưng lại không có khả năng thực thi, nhất là trong đời sống thực tiễn ở nước ta hiện nay. Có cảm giác người đề xuất chính sách ở trên chín tầng mây nên hoàn toàn không hiểu thực tiễn cần lao của người dân sống lầm lụi dưới mặt đất. Một chính sách không hợp lòng dân, lại viển vông, không thể thực hiện được thì có nên đưa ra không?
Cần hạn chế tối đa những chính sách đã ban bố rồi mà phải dừng lại, hoãn thời gian thực thi. Bởi nó hé lộ một sự tùy tiện, cẩu thả. Pháp luật không nghiêm. Người dân sẽ không còn tin vào sự dẫn dắt, điều hành của chúng ta nữa. Mất niềm tin là mất hết. Đấy mới là thiệt hại lớn nhất, một hiểm họa mà chúng ta không thể lường hết được hậu quả.
Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông. Tôi đồng ý với Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo khi ông cho rằng, “Quy định pháp luật là phương tiện phải đăng ký chính chủ. Trước đây chúng ta buông lỏng quản lý nên bây giờ cần phải chấn chỉnh lại”. Ở nước ngoài, khi phương tiện giao thông chỉ đậu sai chỗ quy định, cảnh sát không cần phải gặp chủ xe mà chỉ dán giấy phạt vào cửa kính xe là chủ xe tự đến ngân hàng nộp phạt. Họ làm được vậy vì xe chính chủ. Ở nước ta, xe mua bán vòng vèo, thường qua nhiều đời chủ nên không áp dụng biện pháp này được. Nghị định 71 là đúng, chủ trương đã có từ lâu, nhưng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, để mọi người dân có nhận thức đúng. Cũng không có lộ trình cụ thể để thực thi. Cũng theo ông Thảo, các văn bản của chúng ta thường chồng chéo, không nhất quán, ngay trong “nghị định 71 cũng có quy định mâu thuẫn với văn bản khác. Chính phủ có nghị định cho phép người dân được hợp đồng ủy quyền, hai người mua bán xe chỉ cần ra phòng công chứng, quy định này vẫn đang có hiệu lực. Bây giờ nghị định 71 lại cho rằng hành vi như vậy là vi phạm, sẽ bị phạt từ 6 đến 10 triệu đồng”.
Có lẽ chưa có quy định nào vừa ban hành đã bị người dân phản đối dữ dội như cái quy định phải đi xe chính chủ. Nói như ông Nguyễn Văn Huỳnh, hiện nay với điều kiện kinh tế khó khăn cho những người làm công ăn lương, để kiếm được một chiếc xe cũ đã là rất khó, ấy là chưa kể trong nhà lại có nhiều người, việc đi lại phải mượn xe của nhau. Chả lẽ bố không được đi xe của con. Con không được dùng xe của mẹ ư?. Không lẽ nhà có 4 người thì phải có đủ cả 4 chiếc xe, rồi ra đường lại phải mang theo đày đủ giấy tờ, hộ khẩu. Mà làm sao có được 4 sổ Hộ khẩu chia cho 4 người mang theo làm Giấy Thông hành? Chả lẽ người đã cho mượn xe lại còn phải cho mượn cả giấy tờ, hộ khẩu rồi lại còn phải viết cả giấy ủy nhiệm cho mượn ư? Mức phạt đến 1.000.000 đồng một lần đối với người mượn xe là quá tệ hại, nhất là ở thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, khi đồng lương của một viên chức không đủ sống, giá cả leo thang từng ngày. Nhà nước còn khất đến Tháng 7 năm sau mới tăng thêm 100.000 đồng bù vào lương. Thế thì người dân biết xoay đâu ra nổi 1000.000 đồng cho mỗi lần nộp phạt? Đưa ra quy những định như thế, chỉ “đục nước béo cò”. Rồi những anh Cảnh sát biến chất sẽ lại càng có cơ hội thổi còi kiểm tra để kiếm trác. Tiêu cực lại chồng tiêu cực.
Chị Giáng Son cho rằng, trong điều kiện suy thoái kinh tế như hiện nay, việc đưa ra quy định ấy là không phù hợp. Ba mẹ có một chiếc xe nhường cho con đi học xa. Làm sao cháu có xe chính chủ? “Các bác thử có con mà không có tiền, phải đầu tắt mặt tối kiếm sống như người dân chúng tôi đi rồi hãy ra luật. Con các bác đi học bằng xe hơi có người đưa đón, ở trường Quốc Tế, mỗi tháng chi mấy chục triệu đồng, còn chúng tôi cơm không có ăn, áo không đủ mặc, muốn cho con đi học, bố mẹ phải bóp mồm bóp miệng, tằn tiện nhặt nhạnh từng đồng, thì lấy đâu ra tiền nộp phạt”.
Bà Thu Lệ không giấu nổi sự bực dọc: “Trong gia đình tôi có người thân vừa mất, để lại chiếc xe AB. Vậy bây giờ người trong nhà sử dụng xe, mỗi khi bị Cảnh sát hỏi đến, lại phải mua vé tàu ngầm cho ông ấy đi từ âm phủ lên ư? Hay lôi ông ấy đội mồ đứng dậy để cùng tôi giải trình à? Sáng kiến mới đưa ra là để đổi mới đất nước, mang lại ấm no cho dân chứ sao lại làm khổ, làm nhục người dân?”
Tôi không thể điểm hết được những tiếng nói thẳng thắn bộc trực của người dân trước một việc làm còn rất nhiều bất cập. Chủ trương đúng nhưng cách làm của chúng ta vừa rồi là chưa phù hợp. Với cách làm không khéo, không xuất phát từ thực tiễn đời sống, không vì dân, lấy dân làm gốc, thì ngay cả một chủ trương chính sách đúng đắn cũng có thể bị nghi ngờ.
Việc lưu hành xe chính chủ và chỉ cho phép xe chính chủ lưu hành là cần thiết, để các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát và giải quyết nhanh những vụ án hay những vi phạm tai nạn giao thông, nhất là trong tình trạng giao thông hỗn loạn như ở ta hiện nay. Để làm được điều này, thủ tục cần đơn giản, thông thoáng, không rườm rà bằng nhiều loại giấy tờ công chứng nhiêu khê. Đặc biệt, người mua lại xe cũ, khi sang tên, không phải đóng thuế, mà chỉ nộp một khoản tiền dịch vụ rất nhỏ mang tính tượng trưng. Mỗi xe chỉ đóng thuế một lần khi mua xe mới trong lần đăng ký thứ nhất. Không lẽ một cái xe, mà là xe cà tàng, lại phải chịu đến mấy lần thuế? Mà lấy tiêu chí đâu để định mức thuế? Người bán, người mua có thể thông đồng hạ mức giá để trốn thuế. Làm sao các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được? Và lại, khách hàng đã phải dùng xe cũ là những người nghèo khổ. Không thể tăng ngân sách nhà nước bằng cách bóp nặn đồng tiền còm cõi của những người đã ở đáy xã hội.
Chỉ cần chúng ta tiết kiệm những khoản chi tiêu hoang phí, thu lại hàng ngàn ngàn tỷ đồng thất thoát, tịch biên tài sản của những kẻ tham nhũng mà báo chí đã nêu, cũng đã đủ tăng mấy lần lương cho cán bộ công nhân viên chức, xây dựng những công trình lớn có ý nghĩa thiết thực và giúp người dân xóa đói giảm nghèo rồi.
Tôi tin toàn dân sẽ ủng hộ chính sách xe chính chủ, nếu các thủ tục sang tên đổi chủ thông thoáng, không phiền hà bằng quá nhiều quy định nhiêu khê như đã từng xảy ra. Ai bỏ tiền ra mua xe cũng muốn được sử dụng chiếc xe của chính mình, chứ không muốn đi chiếc xe của mình nhưng lại mang tên người khác như xe đi mượn.
Để kết thúc lời bàn chẳng có gì mới về một vấn đề cũng không còn mới nữa này, tôi muốn nhắc lại ý kiến của một công dân, anh Nguyễn Việt: “Là một công nhân viên chức nhà nước, cũng như bao người khác, tôi thiết nghĩ để thực thi một việc gì, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định, để không ảnh hưởng đến đời sống của dân mà vẫn đảm bảo thực thi được các chế tài của nhà nước. Bởi tất cả sự đổi mới cũng chỉ hướng tới một mục tiêu cao cả, đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Đáng sợ nhất là các chính sách vừa mới đưa ra đã trở thành lạc hậu, gây xáo trộn mất ổn định xã hội. Từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy mà hậu quả lại rất khó lường…”

                               

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

LÃO


(Hoạ bài “Thích”của Tạ Anh Ngôi)

Bảy mươi lão vẫn rất hào hoa
Nếu được giai nhân lão chẳng tha
Lão ấp lão ôm bằng nóng chảy
Lão bồng lão bế đến sương sa
Lão trồng răng giả đều tăm tắp
Lão nhuộm tóc đen bóng nuột nà
Lão uống lão ăn toàn thứ bổ
Để cho lão khoẻ lão …chơi hoa!

                Nhân Hưng,ngày 21-11-2012
                            Tạ Anh Ngôi


Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Anh minh hoa bai"Thich"

THÍCH


(Tặng cụ T D nhân dịp cụ 70 tuổi)

Bảy mươi nhưng cụ vẫn đào hoa
Vẫn thích ai kia bước thướt tha
Thích miệng ai cười làm cá nhảy
Thích lời ai hát gọi chim sa
Thích tình ai đượm yêu chung thuỷ
Thích tính ai hiền dáng nuột nà
Đêm thích mây mưa ngày thích bướm
Thích là ong mật sống vì…hoa

                    Nhân Hưng,ngày 19-11-2012
                                 Tạ Anh Ngôi

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

XÓM TRI ÂN


(Hoạ bài:”Vun bón tình thân”của Đỗ Đình Tuân)

Tình làng nghĩa xóm của Tri Ân
Xa mấy yêu nhau cũng thấy gần
Tối tối gặp nhau tìm tiếng nói
Ngày ngày gọi bạn đọc câu văn
Gái trai già trẻ đều thương mến
Cũ mới gần xa cũng quí thân
Chia sẻ vui buồn tình thắm thiết
Nở muôn hoa đẹp,kết muôn vần…

                  Nhân Hưng,ngày 16-11-2012
                              Tạ Anh Ngôi
                  

Phụ chép bài:”Vun bón tình thân”


                    (Đỗ Đình Tuân)

Ngót hai năm rưỡi xóm Tri Ân
Bầu bạn xa xôi cũng hoá gần
Trò chuyện thăm nom nhờ gõ mạng
Sẻ chia tâm sự gửi trang văn
Kẻ quen người lạ đều tri kỷ
Bạn cũ thày xưa thảy cố nhân
Vun bón tình thân làm gốc rễ
Đơm hoa kết trái nảy nên vần

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

THAM DỰ “ĐỐI CẢI TIẾN”


Cách 1:Làm cặp đôi câu đối mới

-Thanh thản đọc,thanh thản nghĩ,thanh thản thêm thắt
-Thảnh thơi sống,thảnh thơi chơi,thảnh thơi thử thách

Cách 2:Chọn vế 1 làm vế ra

-Nhẩn nha đọc,nhẩn nha chơi,nhẩn nha nhấm nháp
-Nhớn nhác trông,nhớn nhác chạy,nhớn nhác nhảy nhót

Cách 3:Chọn vế 2 làm vế ra

-Nhúc nhắc trồng,nhúc nhắc hái,nhúc nhắc nhâm nhi
-Nhì nhằng cấy,nhì nhằng gặt,nhì nhằng nhấm nhá

                   Nhân Hưng,ngày 15-11-2012
                               Tạ Anh ngôi

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

XƯỚNG HOẠ VUI



(Bác Phạm Quang Bỉnh với bút danh:Thày Khoá Phủ Nam,là hội viên CLB thơ Đường “Bóng Nước Kinh Thày” huyện Nam Sách ,sinh thời tuy tuổi cao nhưng tính tình của bác thì trẻ trung, hóm hỉnh và sâu sắc.Bác Bỉnh viết tặng tôi 1  bài thơ Đường và thách tôi hoạ lại.Cũng xin nói thêm một chút,khi đó tôi đã về hưu được vài năm,vì vợ tôi vẫn còn công tác nên mọi công việc ở nhà từ chợ búa,cơm nước đến trồng rau,chăn nuôi lợn gà,bảo ban con cái…tất tần tật mọi công việc gia đình tôi đều phải quán xuyến.Chính vì lẽ đó mới có cuộc xướng hoạ giữa tôi và bác Bỉnh.Nay Bác Pham Quang Bỉnh qui tiên  đã lâu, nhưng đọc lại vần thơ bác tặng,tôi lại nhớ đến bác,một cây viết hóm hỉnh,vui tính.Tôi xin đăng 2 bài thơ xướng hoạ này lên đây để bà con xóm ta đọc cho vui.Tôi cũng coi đây như là 1 nén tâm nhang thắp lên để tưởng nhớ đến Thày Khóa Phủ Nam Phạm Quang Bỉnh nhân ngày 20-11)

VỊNH ÔNG ĐẢM ĐANG
(Thân tặng thi hữu:Tạ Anh Ngôi)

Thú với điền viên vui tháng ngày
Quốc gia đại sự chịu khoanh tay
Chuyên tâm nôi chợ giùm bu nó
Dốc sức tề gia đỡ mẹ mày
Rèn cặp đàn con nghiêm nghị khiếp
Khuyên răn bà xã ngọt ngào thay
Kỳ lưng, đấm bóp kiêm luôn thể…
Đến cả “Ô sin “cũng chịu thày!

                    Thày Khoá Phủ Nam
                     Phạm Quang Bỉnh


          LỜI VỢ
(Hoạ bài:”Vịnh Ông Đảm Đang”của PQB)

Không nghệ mưu sinh lấy một ngày
Vẫn còn khoẻ miệng với nhanh tay
Ruộng nương đã chẳng nhờ con nó
Chợ búa đành thôi cậy bố mày
Ngày tháng trông nhà giao chó giúp
Sớm hôm chạy chợ mặc ông thay
Khi nào đủ tuổi tôi về nghỉ
Cơm nước lo toan báo đáp thày!

              Nhân Hưng,ngày 25-9-2000
                           Tạ Anh Ngôi

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

HOẠN THƯ



Đã sinh ra kiếp đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Biết Kiều cùng với Thúc Sinh
Tháng ngày ân ái giấu mình một nơi
Nếu mà không biết thì thôi
Biết mà không xử ra người vô tri
Mưu sâu hữu ý bất kỳ
Thúc Sinh thấp trí làm gì được đâu ?
Làm cho ngồi đối mặt nhau
Phải nghiêm một phép nàng hầu chủ nhân
Làm cho rõ mặt hồng quần
Ra tay dẫu chỉ một lần mà kinh!
Khi Kiều đã biết chấp kinh
Biết mình, mình cũng vị tình lượng cho
Đứng ngoài nghe rõ nhỏ to
Khi vào vẫn hỏi,vẫn nho nhã cười
Chuyện đâu mới chuyện lạ đời
Ghen đâu mới lạ cho người đánh ghen?
Bầy ra chuông khánh,hoa đèn
Thứ vàng,thứ bạc để bên cạnh Kiều
Biết đi mà chẳng đuổi theo
Biết gian mà chẳng bắt Kiều mới gan !
Đủ trò hiểm ác gian ngoan
Đàn bà như thế,thế gian mấy người ?






                 Nhân hưng,ngày 04-4-2012
                          Tạ Anh Ngôi

TÂM SỰ CỦA VIÊN PHẤN


(Hoạ nguyên vận bài:”Phấn Trắng”của Minh Huy)


Dẫu là viên phấn nhỏ con con
Vì nghĩa nên em chẳng sợ mòn
Một tấm lòng ngay to với nhỏ
Hai đầu tâm huyết trắng và son
Khai tâm mở trí cho con trẻ
Truyền đạo dạy nghề giúp nước non
Nhào nặn mặc người,luôn thẳng thắn
Yêu nghề gian khó gắng lo tròn

                  Nhân Hưng,ngày 8-11-2012
                              Tạ Anh Ngôi   

 

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

ĐÔI LỜI BÀN THÊM



   Sau khi đọc bài:”Bàn thêm…”của nhà giáo Đỗ Đình Tuân và bài:” Đôi lời bộc bạch” của Minh Hương đăng trên Tri Ân Cuộc Đời các số gần đây,tôi cũng xin góp đôi lời cùng ban quản trị và bà con xóm ta,mong sao trang :”TRI ÂN CUỘC ĐỜI”ngày một hoàn thiên,là nơi chia sẻ tâm tình của cư dân trong xóm,thu hút đựơc sự quan tâm thăm hỏi của bà con láng giềng gần xa.Như lời bộc bạch của Minh Hương:”cội nguồn của sân chơi này thuần thuý chỉ từ ý tưởng khát khao:tìm về ký ức đẹp của mỗi người.Do vậy, mỗi thành viên này đều là chính mình,chân thật đến trần trụi,không màu mè son phấn.Tất cả những thành viên đều là những người yêu thơ văn,muốn mượn thơ văn để nói hộ lòng mình,tuy cách thể hiện có khác nhau về cung bậc,nghề nghiệp…”Và:”Sân chơi Tri Ân là sân chơi tự nguyện,bình đẳng,tôn trọng nhau,rất cần sự thẳng thắn,công khai,minh bạch.Nếu ý kiến hội viên được ký tên cụ thể sẽ có sức thuyết phục hơn nhiều…”.Tôi rất tán đồng với ý kiến này.Mục tiêu của Tri Ân lấy vui là chính và từng bước nâng cao trình độ hiểu biết về tin học bằng cách NGƯỜI BIẾT DẠY NGƯỜI CHƯA BIẾT,NGƯỜI BIẾT NHIỀU DẠY NGƯỜI IẾT IT, để mỗi chúng ta thông qua trang mạng, được giao giao lưu,chia sẻ với bạn bè, để sống vui sống khoẻ hơn.
Có thể nói,tuy trình độ có khác nhau về mặt này mặt khác,nhưng mỗi chúng ta chỉ là những cây viết không chuyên,chỉ là những người yêu thơ văn mà thôi,chẳng phải nhà thơ nhà văn gì,nên những bài thơ,bài văn mà chúng ta sáng tác cũng chỉ mang tính không chuyên,nhằm trao đổi thông tin,chia sẻ tâm tình với nhau là chính.Vậy thì ai đó có dùng từ chưa chuẩn,viết còn sai chính tả, thì chúng ta sửa chữa cho nhau để những bài viết sau được chuẩn xác hơn,có gì nặng nề gì lắm đâu mà phải câu lệ?
Để trang Tri Ân phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức,tôi nghĩ thời gian tới đây, ban biên tập nên có những bài viết có tính chất dẫn đường, định hướng trong từng thời kỳ,tạo ra không khí đàm luân sôi nổi sẽ kích thích được hưng phấn sáng tác.Phấn son thoa mặt mũi,nhưng sự xinh tươi lại sinh ra từ hình dung đẹp đẽ…(Lưu Hiệp),vì vậy sự chân thật,trong sáng,tự nhiên trên trang Tri ân sẽ là “duyên thầm”của mỗi chúng ta,thu hút được sự yêu mến của bạn đọc xa gần.Tuy nhiên, để Tri Ân không rơi vào tình trạng tầm thường ,Tri Ân cũng nên tránh đăng những bài có ngôn từ quá dung tục.
   Trên đây chỉ là ý kiến góp thêm vào những ý kiến mà Tri Ân đã đăng, mong Tri Ân và mọi người đóng góp thêm để Tri Ân mỗi ngày thêm hoàn mỹ.

                                                         Nhân Hưng,ngày 7-11-2012
                                                                       Tạ Anh Ngôi
                                                                                                                         

Thuý Kiều gảy đàn tạ Nguyễn Du

Trăm năm cụ Nguyễn Du ơi !
Phận sao phận bạc như vôi thế này
Bây giờ con gặp cụ đây
Con xin hầu cụ khúc này hàn huyên
Nhặt khoan giọt nước mái hiên
Thánh tha thánh thót nỗi niềm từ xưa
Khúc vui như gió xuân đưa
Mỏng tang như nắng xuân vừa thoảng qua
Êm đềm thuyền đậu bến ngà
Rộn ràng cảnh bướm vờn hoa vườn ngoài
Khúc buồn rầu rĩ lòng ai
Tiếng trầm chùng vọng gió cài thung sâu
Bốn dây réo rắt nhặt mau
Nghe như tiếng suối khuất sau rừng già
Khúc đau như đứt ruột ra
Tiếng sâu quằn quại,tiếng sa bời bời
Tiếng rung bão quẩn giữa trời
Tiếng vang sóng thét biển khơi trập trùng
Tiếng vê mưa gió mịt mùng
Dập dồn sấm sét anh hùng ra tay
Nỗi lòng máu nhỏ bốn dây
Cũng là tâm sự xưa nay của Kiều
Bồi hồi tiếng suối trong veo
Nhẹ rơi như tiếng chim chiều vườn xuân
Ngừng đàn cúi lạy thi nhân :
“Người cho con sống có phần thanh cao
Dẫu rằng phận liễu má đào
Ơn sâu tái tạo con nào dám quên…”
Nguyễn Du nhè nhẹ bước lên
Đỡ Kiều ngồi dậy rồi truyền mấy câu :
“Rằng ta nào biết ngày sau
Mấy trăm năm những nỗi đau chửa mòn
Ta nghe trong tiếng đàn con
Hình như oan nghiệt vẫn còn đâu đây ! “
Nói rồi nhẹ bước thang mây
Khuất vào quá khứ chia tay cùng Kiều…

                Nhân Hưng ,ngày 8-3-2012
                          Tạ Anh Ngôi





Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

VỊNH KIM TRỌNG

(Khoán thủ câu:Tường đông ong bướm đi về mặc ai)

Tường kín cổng cao giữ mắt xanh
Đông lân cữ gió lại lay mành
Ong bay kiếm mật bay trên ngọn
Bướm lượn tìm hoa lượn dưới cành
Đi học gặp người lòng cửa thỏa
Về quê ấp mộ chí không thành
Mặc ai lưu lạc thân nhơ nhớp
Ai vẫn cùng ai nối phúc lành

               Nhân Hưng,ngày 6-3-2012
                             Tạ Anh Ngôi
                           

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

TỔNG VỊNH KIỀU


(Rải danh:Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau)

Chữ đẹp đàn hay nết cũng ngoan
Đa tài duyên phận lại đa đoan
Long đong một chữ tình dang dở
Lận đận mấy lần mệnh ức oan
Khéo buộc dây trời ghìm cánh phượng
Thật mưu quỉ lật xe loan
Nổi nênh,lưu lạc đời yêu ghét
Lại nắm tay nhau hát khải hoàn 

                Nhân hưng,ngày 01-11-2012
                            Tạ Anh Ngôi