Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

KHÓM LỤC BÌNH TRÊN SÔNG


KHÓM LỤC BÌNH TRÊN SÔNG
(Tặng tác giả:”Sông Nước Bồng Bềnh”

  
Mười hai bến nước bồng bềnh
Cánh bèo trôi nổi lênh đênh giữa dòng
Biết đâu là đục là trong
Đâu là bến đậu mà mong dạt vào ?
Đêm về bạn với trăng sao
Sáng ra chịu nắng gắt gao mặt trời
Nở ra hoa tím tặng đời
Không hương nhưng lại ngời ngời sức xuân
Giữa dòng bùn chẳng bén chân
Rong chơi nhưng vẫn trong ngần ngất ngây
Dẫu cho chìm nổi đó đây
Vẫn bồng bênh,vẫn xanh cây lạ kỳ!
Bão giông cũng chẳng hề chi
Hết sông ra biển vẫn đi tung hoành
Bên bờ ríu rít yến oanh
Dưới dòng cá cũng lượn quanh hữu tình!
Mặc đời mưa gió thình lình
Vẫn hiên ngang khóm lục bình trên sông!

                    Nhân Hưng,ngày 5-8-2019
                                 Tạ Anh Ngôi             

VĂN THÁI TÔ ĐIỂM NGỮ NGÔN NHƯNG VĂN CHƯƠNG HOA LỆ LẠI BẮT NGUỒN TỪ TÍNH TÌNH


VĂN THÁI TÔ ĐIỂM NGỮ NGÔN
NHƯNG VĂN CHƯƠNG HOA LỆ LẠI BẮT NGUỒN TỪ TÍNH TÌNH
Lời bình:Tạ Anh Ngôi
     

   Tôi đã rất vui mừng khi cầm trên tay tập bản thảo thơ:”Sông Nước Bồng Bềnh” của nữ tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thúy.Đây là tập thơ thứ 4 với 9 năm thai nghén,chật vật bươn trải, mưu sinh của chị.Tập thơ dày 200 trang với nhiều thể tài,nhiều đề tài viết trải dài suốt 9 năm theo mỗi bước chân của tác giả,qua mọi miền quê của đất nước.Có thể coi “Sông Nước Bồng Bềnh” của chị như là tập “Nhật ký bằng thơ”của một nữ thi sỹ đa tài,đa tình,đa cảm và hết lòng với bè bạn
   Viết về chị có thể sẽ không quá khó để tôi viện dẫn,minh chứng cho một cây bút có nhiều tài hoa”phun châu nhả ngọc” như chị.Tuy nhiên,tôi cũng có chút băn khoăn,bởi hầu hết 254 bài thơ trong tập,đã được chị giới thiệu trên trang mạng xã hội,và đã được rất nhiều bạn bè của chị và bạn đọc khắp nơi,với bút hoa sắc sảo,với bút pháp vững nghề đã có những nhận xét tinh tế,toàn diện về thơ của chị rồi.Vậy tôi sẽ phải viết gì đây để không gặp lại họ mà lại thể hiện được những tài hoa của cây bút rất giàu giới tính này!
   Nếu như ở tập thơ”Bao Giờ…Lại Đến …Bao Giờ” của Nguyễn Thị Ngọc Thúy,được NXB-HNV cấp phép xuât bản năm 2009,tôi coi thơ của chị như”Ngọn lửa đã đốt cháy mình lên và đốt cháy những người khác”Thì với “Sông Nước Bồng Bềnhtôi lại thấy chị như những khóm lục bình hoa tím rong chơi nương theo dòng chảy:”Rong chơi sông nước bồng bềnh/Dãi dầu mưa nắng dập dềnh bến mơ”(Sông Nước Bồng Bềnh).Để rồi:”Xót thân phận liễu đa đoan/Lục bình lỡ bến mênh mang đất trời”(Mặc Dòng Thời Gian) mà chị đã mặc định bằng những bài thơ giàu tâm trạng xa xót về kiếp đời,kiếp người con gái như”Phản gỗ long đinh,như nón khồn quai,như thuyền không lái”hay đám lục bình”Bồng bềnh mà chẳng biết mình về đâu…”!
   Bằng những bài thơ Lục Bát truyền thống,nhưng lại mới mẻ về cảm xúc, về câu chữ cho dến nhịp điệu và phong cách thể hiện,Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã làm nên một khí cốt và diện mạo thơ rất riêng,rất giàu bản sắc đặc trưng,màu sắc trữ tình,hiệu ứng thẩm mỹ và thông điệp chuyển tải trong thơ.Với những câu thơ đậm chất men tình và nữ tính như vậy,theo tôi,thơ Nguyễn Thị Ngọc Thúy rất dễ cuốn hút khách thơ của thời hiện đại.
   Tuy nhiên,ở mảng thơ Lục Bát mới chỉ là một phần không đáng kể.Chị viết nhiều và đa thể loại:Từ thơ Lục Bát,Thơ Tự Do,thơ Ca Trù và thơ Đường Luật.Ở mảng thơ Đường luật chị còn có thú chơi chữ, chơi thơ như :thơ Đường luật thuận nghịch đọc,Thơ Đường luật và thơ Lục Bát khoán thủ,Thơ Đường luật rải danh…Đây là những ngón chơi sang trọng,khó viết, đỏi hỏi người viết phải rất rành về thơ Đường luật và có một ngân hàng ngôn ngữ phong phú..
   Đọc bản thảo”Sông Nước Bồng Bềnh” tôi thấy hình như thể tài thơ Đường luật mới là thế mạnh của nữ thi sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thúy.Chị đã tỏ ra khá thỏa mái khi viết ở thể tài thơ này.Mặc dù thể thơ Đường luật là thể thơ”khó nhằn”với nhiều cây bút dù rằng, những cây bút đó đã nổi tiếng và xuất hiện đã lâu trên văn đàn Việt Nam.Bởi lẽ,thể thơ Đường luật là thể thơ kén người viết.Viết được bài thơ Đường luật đã khó,nhưng để viết được bài thơ Đường luật hay thì càng thật khó-Có thể nói là vô cùng khó.Thơ nói chung thì chỉ cần có ý lạ lời hay,lý tình cảnh sự mang sắc thái hương vị riêng và được thể hiện bằng những lời tinh diệu là đủ.Để có được một bài thơ Đường luật hay,bài thơ không những phải có đầy đủ các tiêu chí của bài thơ hay nói chung, mà còn phải đạt được những tiêu chí riêng biệt của thể thơ Đường luật.Đấy là:Niêm-Luật-Vần-Đối và hàng chục lỗi bệnh cấm kỵ khác.
   Thế mà, Nguyễn Thị Ngọc Thúy vẫn tung hoành, vẫn thoải mái nhảy múa trên 56  phím chữ,tạo nên những cung bậc đa chiều,đa cảm,đa âm sắc.
   Chị đi nhiều và viết cũng nhiều.Qua thơ chi,tôi có thể thấy được những miền đất chị đã đến và đã đi qua từ Bắc vào Nam,từ rừng núi đến biển đảo.Đấy là những bãi biển Hạ Long”Mênh mông biển hát”,bãi biển Đồ Sơn sầm uất khách du,bãi biển Thịnh Long đậm nét dân dã,bãi tắm Sầm Sơn,Cửa Lò lộng gió yêu thương;Hay bãi biển Nha Trang phẳng làn cát trắng thơ mộng, hoặc bãi Ô Cấp Vũng Tàu ầm ào sóng vỗ…Đến đâu chị cũng cảm và viết, rồi ghi dấu bằng một hai bài thơ Đường luật, như là những cột mốc cuộc đời trên suốt chặng đường chị đã đi qua.Và đây là nỗi nhơ Hạ Long:”Rồng thiêng về ngự tắm nơi đây/Tạo hóa xem ra khéo đặt bày/Núi biếc lô nhô in đáy nước/Trời xanh vời vợi gợn từng mây/Sóng xô bờ cát nghe vui thế/Nhũ rủ vòm hang ngắm đẹp thay/Ngoạn thủy du sơn hồn chới với/Kỳ quan ban tặng phút giây này.”(Nhớ Hạ Long)
   Tình yêu quê hương thắm thiết của tác giả và kỳ quan thiên nhiên diệu tú của Hạ Long dường như đã đan xen,như đã hòa quện qua từng câu chữ chuẩn xác,đăng đối và lấp lánh đã làm cho bức tranh Hạ Long thêm nổi bật.Người đọc có thể thấy được núi biếc lô nhô in xuống đáy nước trong veo,có hể thấy vòm trời cao xanh vời vợi với vài đám mây bay lơ lửng,có thể thấy sắc màu lấp lánh muôn màu nhiều vẻ của nhũ đá vòm hang hay tiếng  sóng reo vui xô vào bờ cát.Phải chăng đây là tiếng sóng reo vui của biển Hạ Long hay chính là niềm vui của nữ thi sỹ đang reo vui cùng với sóng biển ở nơi này?
   Còn đây là cảm xúc của chi, khi chị đến nghỉ mát tại bãi biển Đồ Sơn:”Chuyến này nghỉ mát tận Đồ Sơn/Tung mấy vần thơ khoái thả hồn/Bãi cát thênh thang vàng sắc nắng/Cánh buồm thấp thoáng thắm màu son/Thông reo chim lượn mây trôi miết/Biển réo triều dâng sóng đổ dồn/Dào dạt ì oằm hơi muối mặn/Mang nguồn hải sản mãi sinh tồn.”(Đồ Sơn Biển đẹp).Tác giả như reo vui,như ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của biển Đồ Sơn.Chỉ bằng hai câu thực và hai câu luận chính xác và đăng đối, tác giả đã vẽ nên một bức tranh đẹp mê hồn đến dường ấy,theo tôi,cũng không có mấy người có thể thể hiện được như vậy.
   Rồi đây nữa:”Hò hẹn với nhau xuống Vũng Tàu/Địa danh nổi tiếng khắp năm châu/Giàn khoan sừng sững bao tiềm lực/Bãi tắm mênh mang lắm sắc màu/Được ngắm chim trời bay chấp chới/Lại nghe sóng biển vỗ xô nhau/Thiên nhiên tạo hóa thêm kỳ vĩ/Đất nước chúng ta thật đẹp giàu”(Vũng Tàu Bãi Trước Bãi Sau).Được hòa quện với thiên nhiên,với biển trời Vũng Tàu,tác giả càng thêm yêu quê hương mình giàu tiềm năng và tươi đẹp.Tác giả như được tắm gội,gạt bỏ hết bụi bặm,âu lo của cuộc đời, để trở về với thời xuân sắc sáng trong và đầy thơ mộng.
Đọc “Sông Nước Bồng Bềnh”của Nguyễn Thị Ngọc Thúy,tôi thấy điều đáng trân quí ở chị là chị đã tìm thấy cảm hứng sáng tác ở ngay những quang cảnh rất bình thường nơi chi đi qua.Chị chẳng cần dùng những mỹ từ bóng bẩy,to tát nhưng câu thơ của chị vẫn hoa lệ,lung linh.Đấy là vẻ đẹp nằm trong sự bình dị.Những nụ chữ mà chị đã trình bày có thể chưa thật tài hoa,chưa thật tinh diệu,nhưng trong một khung cảnh cá biệt,lại được nở xòe ra những bông hoa lung linh sắc màu Đường thi, làm cho khách thơ say đắm!
    Đọc “Sông Nước Bồng Bềnh”người đọc không nên đòi hỏi quá nhiều về chiều sâu tư tưởng,về mật mã chuyển tải hay nghệ thuật thể hiện và tính thẩm mỹ của thơ.Nguyễn Thị Ngọc Thúy không quen đặt ra cho mình những vấn đề lớn lao trong thơ.Thơ chị chỉ là những dấu ấn của cảm xúc của chi,là những kỷ niệm cần chia sẻ với người thân,với bạn bè.Chị quen viết những điều chị đã gặp,chị đã nhìn thấy ở quanh mình.Và rồi những điều ấy đã hòa trộn,đã trào dâng trong cảm xúc để chồi lên những chồi thơ tự nhiên,nguyên vẹn và trong sáng.Đấy là cái hay và cũng là biệt tài cuẩ chị.
    Nhân đây,tôi viện dẫn thêm một bài thơ Đường luật,mà theo tôi,vừa là thông điệp,vừa là ngón chơi thơ có hơi hướng của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương,nhưng lại rất hiện đại về ngôn ngữ của chị:
     “Tối ngày em mở quán cơm niêu
     Chịu khó bưng bê thoát cảnh nghèo
     Đủ món ba ba cùng ếch ộp
     Sẵn mồi cá chuối với giò heo
     Xông xênh váy áo tha hồ mặc
     Rủng rỉnh bạc tiền thỏa mái tiêu
     Mỗi tội mái tranh tường vách đất
     Rào thưa ngõ vắng sợ “cu Liều”!
   Mang “ba ba” mà đối với”cá chuối”;”ếch ộp” để đối với “giò heo”,kể ra tác giả cũng quá quắt lắm thay!
   Để kết thúc bài viết này,tôi trích một đoạn”Thiên Tình Thái”trong “Văn Tâm Điêu Long”của Lưu Hiệp,nhà lý luận phê bình Văn Học nổi tiếng thời Nam-Bắc triều(Trung Quốc) để đọc giả có thể ttham khảo và liên tưởng :”Phấn son thoa mặt mũi,nhưng sự xinh tươi lại sinh ra từ hình dung đẹp đẽ.Văn thái tô điểm ngữ ngôn,nhưng văn chương hoa lệ lại bắt nguồn từ tính tình.Sợi dọc có xác định thì mới dệt được sợi ngang vào.Tính tình có xác định thì văn từ mới thông suốt.Đấy là căn bản của việc sáng tác thơ văn…Cho nên vận dụng lời văn là để làm sáng tỏ nghĩa lý.Lời văn lòe loẹt,quái dị(thì) tư tưởng,tình cảm cũng bị che mờ…”
 
                             Hải Dương,1h30,ngày 5-8-2019
                                             Tạ Anh Ngôi