Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

GIỚI THIỆU THƠ CỦA BẠN THƠ

Nhân ngày Gia đình VN :28-6-2014,xin gửi tới các bạn 2 bài thơ viêt về tình cảm gia đinh của Nguyễn Thị Anh Đào(Hội viên CLB thơ tỉnh Hải Dương,Đang sống và làm việc tại Thôn An Đông,xã An Bình,huyện Nam Sách,tỉnh Hải Dương).Hai bài thơ này tuy chưa đạt được những chuẩn mực khắt khe của thơ,nhưng vượt lên trên tất cả là cái tình của người thơ đối với những người thân yêu trong gia đình của mình.Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

I-TÂM SỰ CÙNG CON DÂU
                          Nguyễn Thị Anh Đào

Con không do mẹ sinh ra
Mẹ yêu con dẫu con là con dâu
Con không biết được vì đâu
Bởi vì mẹ đã từ lâu khổ rồi
Mẹ thương con nhất trên đời
Làm dâu con phải xa rời quê hương
Vì chồng dành hết yêu thương
Vì con,con phải nhịn nhường nhiều khi
Mẹ xa chẳng giúp được gì
Bát cơm bát cháo những khi yếu người
Giúp con bế cháu đi chơi
Để con có phút nghỉ ngơi bên chồng
Thương con mẹ giấu trong lòng
Mẹ đi trồng cấy trên đồng làm vui
Những ngày con cháu về chơi
Là ngày mẹ thấy trong người khỏe ra
Mẹ mong ở tận phương xa
Cháu con khỏe mạnh thế là mẹ vui

                        

 II-TÂM SỰ VỚI CHỒNG
                    Nguyễn Thị Anh Đào

Mấy gian nhà trống anh ơi
Vắng anh tạnh cả tiếng cười của anh
Các con giờ đã trưởng thành
Trai lên Hà Nội tập tành mưu sinh
Hồng Nhung –Con của chúng mình
Làm nghề chụp ảnh ghi hình khắp nơi
Hết xuống biển lại lên đồi
Hết ra bãi Một lại ngồi bãi Hai
Suốt ngày xuôi ngược rạc rài
Chăm lo cuộc sống ngày mai quê người
Cháu con xa tít mù khơi
Mình em đơn độc cuộc đời chông chênh
Đêm nằm trống trải không anh
Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người
Nhiều khi em gắng hát cười
Lại nghe xóm láng nói lời vào ra
Lòng em trăm nỗi xót xa
Anh ơi!Anh có biết là em đau!
Tuổi cao em đã già đâu
Trái tim thổn thức nói câu... thập thình!
Gái trai con của chúng mình
Chúng không thông cảm sự tình của em
Còn luôn phiền trách em thêm
Để ngày em xót để đêm em buồn
Khôn thiêng anh hãy về luôn
Để em giải hết nỗi buồn trong…mơ !

                           
                  Nhân Hưng,ngày 28-6-2014
              Sưu tầm và giới thiệu:Tạ Anh Ngôi


Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

GIỚI THIỆU TẬP THƠ"NGẨN NGƠ CHIỀU"CỦA NGUYỄN XUÂN TRÃI(HỘI VIÊN HỘI VHNT TỈNH HẢI DƯƠNG)



NGẨN NGƠ CHIỀU
Hay là ngẩn ngơ nỗi NGƯỜI,ngẩn ngơ nỗi ĐỜI
                                           Tạ Anh Ngôi


   Cách nay chưa lâu,đọc giả đã trân trọng một “Ru tình trong mây”của Nguyễn Xuân Trãi,để rồi dư ba của 61 bài thơ trong tập vẫn đang còn âm vang trong lòng mọi người:
                                           “Em một đời mùa gió
                                            Dâng ngọn sóng trong anh
                                             Mùa xuân trôi qua cửa
                                            Hoa tím chìm trong tay…”
   Với phong cách khá độc đáo không thể trộn lẫn,Nguyễn Xuân Trãi đã làm bạn thơ “ngẩn ngơ”lạc bước trong vườn thơ tưởng như quen mà lạ của anh.Là cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường bộ của tổng công ty cầu Thăng Long,anh đã có dịp đi nhiều nơi,chính “những điều trông thấy…”này đã tích tụ thành vốn sống,thành những chiêm nghiệm cuộc đời để anh cần mẫn say mê,chắt chiu tích cóp từ những cảm giác NGƯỜI,cảm giác ĐỜI và làm nên một”Ngẩn ngơ chiều”,tập thơ thứ 3 sau tập”Thu xanh”NXB Lao Động năm 2005 và “Ru tình trong mây”NXB Hội nhà văn năm 2007.
     “Ngẩn ngơ chiều”là tập thơ tương đối dày dặn,bìa cứng,trình bày khá trang trọng,tập thơ do NXB Hội Nhà Văn cấp phép xuất bản năm 2010.Với 125 bài thơ các thể loại và một bài thơ phổ nhạc,đã tạo được từ lực hấp dẫn ban đọc ngay từ những giây phút đầu tiên khi tiếp súc với tập thơ.Người đọc không yêu thơ anh bới sự cầu kỳ diêm dúa,mà yêu bởi một chất thơ dung dị thuần phác,nhưng lại đằm sâu và đầy ám ảnh:“Sông núi rộng dài chưa hẳn là to/Diện tích hẹp chắc đâu đã bé/Mỗi trong ta mỗi nguyên tử nhỏ/công phá hết mình như một trái bom to…”(bài Vơi đầy)Chính những suy luận vừa logich vừa phi logich như vậy đã làm nên một phong cách khu biệt nơi anh.Chắc rằng những biến cố con người,những biến cố cuộc đời mà anh đã kinh qua hoặc chứng kiến đã”nhiễm”vào thơ anh,để rồi 125 bài thơ trong tập là 125 dấu lặng tròn trên khuông nhạc đa âm,đa sắc và đa tình của anh.Đấy là ngững khoảng lặng để thấu thị cuộc sống,để cảm thương cho những số phận thiệt thòi hay sẻ chia những nỗi đắng đót buồn vui của cuộc đời:”Phố phường ngọt cánh đồng chua/Con cua con ốc đung đưa đỉnh lầu/Vườn em mơn mởn trái cau/Ngày xuân hơn hớn nát nhàu chợ trưa…”(Bài Sóng xô).Người đọc chẳng có gì phải ngạc nhiên trước hình ảnh”xuân hơn hớn”lại phải”nát nhàu chợ trưa”khi mà xã hội đang trên đà phát triển,đang đô thị hóa với tốc độ phi mã thật chóng mặt.Có người bạn nói với tôi:”Thơ Nguyễn Xuân Trãi đã nhuộm màu xanh công nhân với màu nâu của đất làng…”.Tôi đồng ý với nhận xét này.Nguyễn Xuân Trãi được sinh ra và lớn lên từ một miền quê chiêm trũng của huyện lúa Nam Sách,nên tâm thức nông thôn còn nguyên sơ,trong trẻo luôn thường trực trong anh.Những nét thân thuộc của chợ quê và của người quê đều khiến anh nôn nao,quyến luyến và lay thức tâm tư,để rồi thẩm thấu và phản chiếu vào thơ anh:”Ta đi trên cánh đồng/Nghe phập phồng đất thở/Ta ngập vào sóng lúa/Biển cuộn vàng chân mây/Gió đồng hương hây hẩy/Ru hồn ta ngất ngây…”(Đi trên cánh đồng).
   Những câu chữ thuần phác đậm chất dân dã Việt Nam như vậy đã làm người đọc rưng rưng hoài niệm về một chốn xưa,về một bến cũ,về một tình quê đằm thắm:”Mồ hôi cha thấm rãnh cày/Lòng mẹ chưng cất tháng ngày nên tôi/Phải chăng có hạt mưa rơi/Có tia nắng sớm chân trời tôi sinh…”(Hồn quê)
   Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở nông thôn,nhưng Nguyễn Xuân Trài lại là một công nhân đã sinh sông nhiều năm trên một thành phố vùng mỏ than Quảng Ninh,có lẽ vì thế mà anh viết về tam nông(Nông thôn,nông nghiệp,nông dân)cũng như viết về công nghiệp về công nhân.Thơ anh thân thiết và quyến luyến tới mức”mộc mạc,chân thành”thật đáng yêu,đáng nhớ và đáng trân trọng:”Người thợ cầu đêm nay không ngủ/Truyền cho nhau từng sọt đá đêm khuya/Tay nâng niu ánh mắt thầm thì/Như ôm con từ trong lòng mẹ…(Người thợ cầu)
   Thơ Nguyễn Xuân Trãi thường viết về những đề tài rất đời thường nhưng lại gần gũi,thân quen với bạn đọc.Có lẽ vì thế mà thơ anh rung động,và có sức lôi cuốn,lan tỏa:”Nỗi đau sao nói hết/Một Cẩm Phả tiêu điều/Đâu còn là ta nữa/Thân xác hồn tiêu diêu…”(Cẩm Phả)Câu thơ đầm đìa nỗi xa xót,nhớ tiếc đến quặn thắt về một thành phố than bên bờ biển Đông xưa cũ.Tuy nhiên,vẫn thành phố ấy nay đã đổi khác thì thơ anh cũng mang một giọng điệu và âm hưởng khác:”Đi rộng dài Cẩm Phả/những con đường như thơ/Trang thời gian mở cửa/Vùng than đẹp vô bờ…”(Cẩm Phả)Thơ anh như reo vui với niềm vui sinh nở của quê hương mới,nơi có vợ con anh đang hàng ngày sinh sống và làm việc-Bến đậu của tâm hồn anh.
   Đọc “Ngân ngơ chiều”người đọc sẽ bắt gặp những nỗi buồn vu vơ đến mức tưởng như “ngơ ngẩn”,khi mơ hồ như một cơn gió thoảng qua,khi lại phảng phất như hương trầm bay đâu đó:”Giật mình cơn gió thoảng/Hương trầm như hồn say…”(Mơ Say).Nỗi buồn ấy,nỗi”ngẩn ngơ”ấy nhiều khi thoát ra ngoài câu chữ,xoáy vào tâm thức người đọc một dấu hỏi tưởng như là”ngơ ngẩn”mà chẳng”ngẩn ngơ”chút nào:”Cuộc đời ơi chớp nhoáng mây trôi/Vàng son mấy mai rồi sỏi đá…”(Ngẩn ngơ chiều).Cho tới cái đêm:”Hội xuân dan díu chốn nào/Để câu Quan Họ ướt vào hồn tôi…”(Hội xuân)thì người đọc chợt nhận ra đây là một nỗi buồn vu vơ nhưng se thắt,nghiệp chướng của người thơ.Những gì người thơ đã trải nghiệm,đã “thực mục sở thị”đã lay thức trái tim thơ-Trái tim nhạy cảm của người thơ?
   Mang trong lồng ngực một trái tim đa sầu,đa cảm và một bầu nhiệt huyết nên thơ của Nguyễn Xuân Trãi lắm lúc cũng chông chênh,chông chênh tới mức vô lý,tới mức”ngẩn ngơ”thì cũng là điều dễ hiểu.Những đắng cay vất vả từ thơ bé dường như đã chưng cất nên thơ anh:”Bìm bìm canh ngọt lá lang/Áo dăm mụn vá xênh xang đến trường/Mùa về nước ngập đường trơn/Dậm khua trên bãi tan cơn mưa rào…”(Tuổi thơ tôi).Cái cảm giác đăng đắng ấy đã khiến cho Nguyễn Xuân Trãi cảm nhận những gì người đời có được,tưởng như đã tròn đầy viên mãn kia cũng chỉ là ảo ảnh của ảo giác-Là giấc mộng”Nam Kha”mà thôi:“Bầu trời lóe sáng đằng đông/Một ngôi sao vỡ rơi hồng chân mây/Giật mình ảo giác vơi đầy…”(Ảo giác) .
   Một khi người thơ đã lặn ngụp trong nỗi buồn tê đắng đến như vậy,chắc phải là một cảm giác mất mát nào đấy đã tạo cho người thơ một nỗi xúc động mạnh mẽ.Tuy nhiên,người đọc cũng nhận thấy nỗi buồn trong thơ Nguyễn Xuân Trãi không phải là nỗi buồn làm tan rữa,mục ruỗng tâm hồn mà là sự cảm thông và chia sẻ.Chính vì vậy mà thơ Nguyễn Xuân Trãi tuy đầm đìa thương cảm nhưng lại là sự rung động rất NGƯỜI,rất nhân văn:”Đời người như trận bão khan/Lá rơi xao xác mà tan nát chiều/Tay cầm lên ngọn gió heo/Lòng tôi nắng khuyết mưa xiêu phố làng…”(Phố làng).Câu thơ tuy đắng đót,buồn đau về một nỗi quê xưa nhưng lại là một nỗi đau buồn dịu dàng:”Linh thiêng sương khói nhạt nhòa /Tiếng chuông âm lạnh bay qua đường trần…”(Thăm đền Cửa Ông)
   Thơ vốn thuộc về tâm hồn,về trái tim.Logich của thơ không giống như Logich của toán học.Vì thế mà thơ có cái vô lý của thơ."Chính sự vô lý nhiều khi tới mức khó chấp nhận,mà thơ đã buộc người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần,cho đến khi thăng hoa cùng thơ thì mới nhận ra một điều giống như là chân lý",được che ẩn dưới sự”ngẩn ngơ”.Đấy chính là”NGẨN NGƠ NỖI NGƯỜI,NGẨN NGƠ NỖI ĐƠI”của người thơ.Để có được sự”ngẩn ngơ”như thế,nhiều khi nhà thơ đã phải đánh đổi cả một đời gió mưa chiêm nghiệm mới làm nên đươc.

                                                                               Nhân Hưng,24h ngày 15-3-2012
                                                                                              Tạ Anh Ngôi


        

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

XƯA VÀ NAY

Đường xưa lồi lõm chân trâu
Tối đèn tắt lửa giúp nhau thật lòng
Đường nay phẳng ngạt bê-tông
Tình anh em,nghĩa vợ chồng…ngả nghiêng !

                                 Nhân Hưng,ngày 22-6-2014
                                               Tạ Anh Ngôi
*Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

VẪN CỨ LÀ

Bảy chục xuân qua vẫn cứ là…
Liên miên thơ rượu sáng trưa và…
Trời cao những tưởng không sờ đến…
Đất thấp nào hay lại nảy ra…
Dáng dấp béo tròn nhưng lại cứ…
Tóc tai bạc phếch vẫn chưa tha…
Cổ lai đã quá đêm còn muốn…
Mợ nó nằm bên để lại mà…(!)

                    Nhân Hưng,ngày 20-6-2014
                                 Tạ Anh Ngôi

*Ảnh chỉ mang tính minh họa về người già

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

NHÀ

(Nhân ngày Nhà báo VN 21-6)

Nhà sang cái cổng cũng cao sang
Nhà khó vách phên trống toác toang
Nhà báo vững vàng ngòi bút thép
Nhà văn chan chứa trái tim vàng
Nhà thơ vắt lệ thương nhân loại
Nhà giáo giữ lòng yêu thế gian
Nhà chức lợi quyền sinh lóa mắt
Nhà tiền ban phát những ân oan…
                Nhân Hưng,ngày 17-6-2014
                               Tạ Anh Ngôi

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

BẤT LỰC

Gò đất không trèo nổi
Nói chi chuyện leo đồi
Nằm phủ phục dưới dốc
Ngước mắt nhìn lên thôi !!!

                      Nhhaan Hưng,ngày 12-6-2014
                                      Tạ Anh Ngôi

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

THÚY KIỀU GẢY ĐÀN TẠ CỤ NGUYỄN DU


Trăm năm cụ Nguyễn Du ơi!
Phận sao phận bạc như vôi thế này?
Bây giờ con gặp cụ đây
Con xin hầu cụ khúc này hàn huyên…

Nhặt khoan giọt nước mái hiên
Thánh tha thánh thót nỗi niềm từ xưa
Khúc vui như gió xuân đưa
Mỏng tang như nắng xuân vừa thoảng qua
Êm đềm thuyền đậu bến ngà
Rộn ràng cảnh bướm vờn hoa vườn ngoài
Khúc buồn rầu rĩ  lòng ai
Khúc trầm âm vọng gió cài thung sâu
Năm dây réo rắt nhặt mau
Nghe như tiếng suối khuất sau rừng già
Khúc đau như rứt ruột ra
Tiếng sâu quằn quại,tiếng xa bời bời
Tiếng rung bão tố giữa đời
Tiếng vang sóng thét biển khơi trập trùng
Tiếng vê mưa gió mịt mùng
Tiếng dồn sấm sét anh hùng ra tay
Nỗi lòng nhỏ máu năm dây
Cũng là tâm sự xưa nay của Kiều
Bồi hồi suối chảy trong veo
Nhẹ rơi như tiếng chim chiều vườn xuân…

Ngừng đàn cúi lạy thi nhân
“Người cho con sống muôn phần thanh tao
Dẫu rằng phận liễu má đào
Ơn sâu tái tạo con nào dám quên…”
Nguyễn Du nhè nhẹ bước lên
Đỡ Kiều ngồi dậy rồi truyền mấy câu:
“Rằng Ta nào biết ngày sau
Mấy trăm năm những nỗi đau chửa mòn
Ta nghe trong tiếng đàn con
Hình như oan nghiệt vẫn còn đâu đây…?”
Nói rồi nhẹ bước thang mây
Khuất vào quá khứ chia tay cùng Kiều !

                            Nhân Hưng,ngày 8-3-2012 _ 8-6-2014
                                                  Tạ Anh Ngôi
                                        

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

TỔ BLOG "TRI ÂN CUỘC ĐỜI" GẶP MẶT VÀ THĂM LỄ HỘI TRUYỀN THỒNG ĐỀN HÓA(LÀNG AN MÔ,XÃ LÊ LỢI ,TX CHÍ LINH,HẢI DƯƠNG)

Nhận lời mời của Blog “Tri Ân Cuộc Đời” Nguyễn Văn Dịp(Tô Quang),Các Blog:Thanh Dạ,Đỗ Đình Tuân,Tạ Anh Ngôi,Nguyễn Xuân Hiểu...
Đã đến họp mặt nhóm Bloog "Tri Ân Cuộc Đời"Chí Linh tại nhà Nguyễn Văn Dịp từ chiều ngày 4-6-2014,sau đó sang lễ hội truyền thống đền Hóa(làng An Mô,xã Lê Lợi,TX Chí Linh,tỉnh Hải Dương) và thưởng lãm buổi chung khảo:“Lên hoan diễn xướng nghi lễ Chầu Văn đền Sinh-Đền Hóa”do các thanh đồng đến từ TP Ninh Bình,TP Hà Nội và thanh đồng làng An Mô trình diễn.Sáng ngày  5-6-2014 ban quản lý các di tích TX Chí Linh phối hợp với nhà đền làng An Mô tổ chức
Nghi lễ rước bài vị thành hoàng làng là Hạo Thiên Thi Bồng Thiên Tướng lên đền Mẫu.Dưới đây là một số hình ảnh tác giả Tạ Anh Ngôi đã ghi lại được.Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
                                                                       


















Nhân Hưng,ngày 5-6-2014
Bài & Ảnh:Tạ Anh Ngôi